Bé trai 3 tuổi bị bạo hành: Khẩn trương tìm đưa cháu vào “nhà tạm lánh”

(Dân trí) - Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã yêu cầu Cục có công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM vào cuộc ngay, tìm kiếm và đưa cháu bé 3 tuổi bị cậu đánh đập vào “nhà tạm lánh”.

Đưa cháu Đức vào “nhà tạm lánh”

Sáng sớm 1/11, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) - Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho PV Dân trí biết, ngay khi đọc những thông tin về cháu bé Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi) bị người thân ép đi ăn xin và bạo hành dã man, cá nhân ông cảm thấy đau xót và bức xúc. Vì vậy, dù đang đi công tác xa nhưng bác sĩ An đã yêu cầu Cục BVCSTE có công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM vào cuộc ngay và báo cáo bằng văn bản cho Bộ LĐ-TB&XH.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, với sự việc cháu Đức bị bạo hành và ép đi ăn xin, chính quyền sở tại cần báo ngay cho Sở LĐ-TB&XH TPHCM và Trung tâm Công tác xã hội thành phố để được trợ giúp. Theo Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì Chủ tịch UBND phường nơi gia đình cháu bé cư trú phải hết sức khẩn trương vào cuộc, bằng tinh thần, trách nhiệm để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho cháu bé.

Bé trai 3 tuổi bị bạo hành: Khẩn trương tìm đưa cháu vào “nhà tạm lánh”
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục BVCSTE, Bộ LĐTBXH yêu cầu khẩn trương tìm kiếm và đưa cháu Đức vào "nhà tạm lánh"

Hiện cháu Đức đang được mẹ đưa đi khỏi nơi cư trú. Do vậy, công an và chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc để xác minh xem cháu bé đang ở đâu, sớm đưa cháu vào “nhà tạm lánh” hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội… theo Luật/Nghị định phòng chống bạo lực gia đình.

Đối với người cậu Trịnh Đắc Hòa và Đặng Tấn Cường, cần áp dụng chế tài theo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính số 144/NĐ-TTg, ngay 29/10/2013 đối với hành vi bạo lực/hành hạ trẻ em.

Khó tước quyền nuôi con của người mẹ

 
Bức xúc trước thái độ tiếp tay cho em trai bắt ép con nhỏ đi ăn xin, thờ ơ trước nỗi đau của con… nhiều người cho rằng cần tước quyền làm mẹ của Trịnh Thị Tuyết Nở, đưa cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cháu được chăm sóc tốt hơn.
 
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TPHCM, dù Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em; pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định cụ thể các quyền này, nhưng trên thực tế, việc bảo vệ quyền trẻ em như trường hợp cháu Đức là rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong vụ việc này cũng không đúng, bởi lẽ ai cũng biết rằng bà ngoại và mẹ ruột đương nhiên phải yêu thương và lo cho con, cho cháu hơn người ngoài. Thực tế, mẹ cháu cũng thấy xót xa khi biết em trai hành hạ cháu và đã có những phản ứng, dù hơi muộn màng. Đáng tiếc, Nở không có khả năng nuôi con như những người phụ nữ khác. 

Khó tước quyền nuôi con của Nở trong vụ việc này

Khó tước quyền nuôi con của Nở trong vụ việc này

Việc chính quyền địa phương xử lý người cậu là đúng. Tuy nhiên do người cậu chưa tới tuổi trưởng thành nên chỉ có thể xử lý đưa vào trường giáo dưỡng nếu thấy tái phạm hành vi hành hạ cháu mình.

Để giải quyết vụ việc này trên cơ sở đảm bảo quyền lợi những đứa con của Nở, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội liên quan nên tìm hiểu, giải thích, động viên Nở đồng ý cho các cháu vào các tổ chức xã hội từ thiện vì quyền lợi các cháu; hoặc phải có giải pháp hỗ trợ vật chất để Nở nuôi các cháu tốt hơn.

“Bản thân chị Nở chỉ khiếm khuyết trong việc nuôi con, hoặc thờ ơ bỏ mặc cho các cháu tự sống chứ không trực tiếp đánh đập, hành hạ con mình tàn ác… nên cũng không thể tước đi quyền làm mẹ của chị ấy đối với con mình”, luật sư Trường nói.

Công Quang