1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Nghệ An:

Bể hụi - Chủ điêu đứng, dân méo mặt

(Dân trí) - Chủ hụi “cấp huyện” bỏ trốn. Hàng chục chủ “cấp thị trấn, cấp xã” lâm vào cảnh điêu đứng, cắm sổ đỏ, rao bán nhà, thậm chí bị dọa lấy mất mạng để… trừ tiền. Hàng trăm hộ dân chơi hụi khóc đứng khóc ngồi, ùn ùn kéo nhau đi xiết nợ… Chuyện bể hụi đang là vấn đề “nóng” nhất ở một số xã miền núi huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Từ thị trấn Dùng đi chừng 10 cây số, chúng tôi đến ngôi nhà 3 tầng mới xây, chưa kịp ở, của một chủ hụi “cấp xã” ở khu vực lâm trường Thanh Lĩnh, thôn Đồng, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Nhà cửa đóng kín mít. Nhìn chúng tôi, mấy cậu chăn bò đoán: Chắc lại đến xiết nợ.

 

Gần đó là ngôi nhà cấp bốn, cửa sắt khép kín còn treo tấm biển “bán hàng ăn uống” của cô con gái người chủ hụi tên P.T.A. Ngôi nhà 3 tầng mới xây của chị A. giờ đã bị dân kéo đến xiết hết đồ đạc, thậm chí còn bị dọa giết. Có người đã thẳng thừng: “Một mạng đổi lấy 30 triệu đồng, nợ tôi 120 triệu thì tôi lấy 4 mạng”.

 

Chị A. tuổi chưa đến 50, nhưng từ hôm bể hụi đến nay, trông chị già xọm. Nghe chúng tôi nói, chủ hụi “cấp huyện” đã bỏ trốn, chị thất thần. Chị cho biết hình như Nguyễn Thị Đào (một chủ hụi “cấp huyện” - PV) đã bỏ trốn. Đối tượng này đã đứng ra mua lại hụi của các chủ phường nhỏ với lãi suất 30%/năm, nghĩa là với 1 triệu thì đối tượng này chỉ phải trả 700 nghìn.

 

Hội phường này hoạt động có hệ thống từ cấp xóm đến cấp huyện, theo kiểu như sau: chủ phường cấp xóm sau khi “cưới phường” mới sẽ nộp tiền cho chủ phường “cấp xã” như chị A., sau đó, chị A. lại được chủ phường “cấp huyện” như đối tượng Đào mua lại. Tất cả đều quy về một mối là Đào. Khi không đủ khả năng chi tiền lại cho các “con phường”, Đào tuyên bố bể hụi và bỏ trốn. Hậu quả đổ lên đầu các chủ phường nhỏ “cấp xã” và “cấp huyện”.

 

Theo lời chị A. thì Đào đang nợ các chủ phường gần 10 tỷ đồng, riêng chị A. là 400 triệu đồng.

 

Chị A. thất vọng: “Nói thật chứ bây giờ tìm thấy nó cũng nỏ có chi nơi hắn nữa cả. Chúng tôi bây giờ cũng phải chấp nhận bán nhà, bán đồ đạc mà trả nợ cho dân thôi. Nhà bên Thanh Xuân (xã Thanh Xuân - PV) bị lấy rồi. Tui bây giờ cũng chấp nhận ra tòa và có đi tù cũng phải chịu và cũng trả hết nợ cho dân. Tất cả những chủ hụi đềt bị điêu đứng cả”.

 

Giống như chị A,. nhiều chủ hụi khác là nạn nhân của Đào, nhưng giờ lại phải giơ đầu chịu báng trước dân. Hầu hết họ đều phải cắm sổ đỏ, rao bán nhà để trả nợ. Có người không chịu nổi sức ép đã bỏ trốn.

 

Như chị P., dù đã về quê lấy lên 100 triệu trả nợ vẫn không đủ. Bị các “con phường” kéo đến chửi rủa, lấy tài sản, nhà bị niêm phong, chị không chịu nổi nên đã bỏ trốn đi đâu không rõ. Hay chị P.T. ở xã Thanh Lĩnh, bị Đào nợ gần 600 triệu, giờ cứ ngất lên ngất xuống, “thăm” trạm xá, bệnh viện thường xuyên.

 

Dân cũng đâu muốn thế, nhưng tiền tích cóp bao năm, giờ mất trắng, họ biết đòi ai. Mà “trùm hụi” thì vẫn bặt vô âm tín.

 

Chiều 25/10, trao đổi với Dân Trí, ông Nguyễn Xuân Thi - Trưởng công an thị trấn Dùng (Thanh Chương) khẳng định: “Việc xảy ra phường hụi và bể hụi là có thực. Phường này bắt đầu hoạt động từ năm 1996, trên tinh thần tự nguyện, không qua tổ chức nào, nên khi xảy ra chuyện, dân chơi phường chỉ biết ngậm ngùi. Ban đầu chỉ có 3, 4 chủ phường, nay tính trên địa bàn thị trấn cũng đến 12 chủ lớn.

 

Hoạt động của phường theo quý, tháng, tuần thậm chí là ngày. Nay do mâu thuẫn về vấn đề kinh tế giữa các chủ phường với nhau và các chủ phường không có khả năng thanh toán nên tan vỡ hay còn gọi là bể hụi.

 

Một số chủ phường đã bỏ trốn như Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Thị Phượng… Nhiều chủ phường nhỏ và dân kéo nhau đi xiết nợ gây mất an ninh trật tự. Chúng tôi đã phải niêm phong một số nhà như nhà chị Phượng để tránh tình trạng người dân ào vô lấy tài sản. Số khác thì rao bán nhà trên các phương tiện truyền hình, cắm sổ đỏ để trả nợ. Đi đến đâu người dân cũng bàn tán xung quang việc bể hụi”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa