1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bay quốc tế: Mở cửa chắc chắn, tránh tuyệt đối mở ra rồi… đóng lại

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế là đủ thận trọng, đủ cần thiết, cần có lộ trình, quy định, chắc chắn, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại" - GS.TS Trần Thọ Đạt cho hay.

Sáng 10/11, báo Giao thông tổ chức tọa đàm trực tuyến "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn". Tại đây, các cơ quan quản lý hàng không, chuyên gia y tế, kinh tế và doanh nghiệp hàng không đã có những trao đổi về các điều kiện, vấn đề bay quốc tế trong thời gian tới.

Căn cứ nào mở lại các đường bay quốc tế?

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho rằng đã đến lúc phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế. Từ tháng 9/2020, Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu cụ thể các điều kiện để mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau.

"Dặm đường xa ta đang gặp phải bão táp mưa sa do SARS-CoV-2 gây ra. Chúng ta đã có rất nhiều lần định mở lại và chắc chắn sẽ mở lại trong thời gian tới" - ông Cường nói.

Bay quốc tế: Mở cửa chắc chắn, tránh tuyệt đối mở ra rồi… đóng lại - 1

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Vậy căn cứ nào để mở lại các đường bay quốc tế ? Theo ông Cường, ngày 8/11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế, đưa khách đến Việt Nam. Trước đây, các nước đều đóng cửa các đường bay quốc tế. Đơn cử như Mỹ đến 8/11 chính thức mở lại đường bay, đưa công dân Mỹ đi và đưa công dân các nước đến Mỹ - đây là một sự kiện cực kỳ lớn đối với thế giới, họ phải đối mặt với thực trạng hành khách xếp hàng dài làm thủ tục nhập cảnh.

Trước đó, Thái Lan, Úc quyết định mở cửa biên giới, công dân Úc có điều kiện trở về thăm quê hương, gia đình. Thái Lan ngày 1/1 có quyết định bổ sung cho công dân 17 quốc gia đến không phải cách ly, trong đó có công dân Việt Nam. Singapore cũng bổ sung 4 quốc gia Đông Nam Á đến không phải cách ly, trong đó có Việt Nam đến không phải cách ly.

"Tôi cho rằng, đây là điều đáng mừng. Lý do người ta làm được là tích lũy kinh nghiệm phòng chống dịch, tiêm vắc xin diện rộng trong dân cư để tạo ra sức chống chọi Covid-19. Việt Nam đang đi theo hướng như vậy, chúng ta đã có những quan điểm thay đổi rất căn bản từ năm 2020 đến nay, từ be bờ đắp đất, Zero Covid sang sống chung với Covid. Quan điểm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ là linh hoạt, thích ứng như vậy để phát triển kinh tế" - ông Cường cho hay.

Cần có lộ trình, tránh mở ra rồi đóng lại

Tại tọa đàm, GS, TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng - cho biết hiện đã là thời điểm phù hợp để mở lại các đường bay quốc tế sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố.

"Tôi cho rằng, hiện đã là "thiên thời địa lợi", các yếu tố khách quan và chủ quan đã tạo dựng nên luận điểm cho rằng đây là thời điểm phù hợp mở lại đường bay quốc tế" - ông Thọ nói và cho biết để mở lại đường bay quốc tế phải phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra.

Bay quốc tế: Mở cửa chắc chắn, tránh tuyệt đối mở ra rồi… đóng lại - 2

GS, TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng.

Theo ông Thọ, không thể chắc chắn bao giờ dịch kết thúc, tuy nhiên một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố. Nền kinh tế của chúng ta đã chịu cú sốc giảm lớn nhất từ trước đến nay, quý III sụt giảm -6,17%, ứng với quý có số ca mắc Covid-19 lớn nhất.

"Về kinh tế, có thể thấy khá rõ, mở lại đường bay quốc tế có nhiều thuận lợi. Kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ. Những nền kinh tế đầu tàu đang nhanh chóng lấy lại những gì đã mất trong 2 năm qua" - ông Thọ nhấn mạnh.

Thời gian qua, đại dịch đã bào mòn hoạt động của các hãng hàng không. Nếu không có thêm dòng tiền thì sức chịu đựng của các hãng hàng không cũng chỉ có giới hạn. Điều này cho thấy cần sớm lập lại đường bay quốc tế để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Việc khôi phục đường bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Việc này không chỉ cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.

"Chúng ta đủ điều kiện cần thiết về y tế, kinh tế để nối lại đường bay quốc tế. Phương châm của chúng ta là linh hoạt, chậm nhưng chắc, chúng ta phải chung sống với Covid-19. Chúng ta không thể có nguồn lực dự trữ để có thể đóng cửa mãi được" - ông Thọ nhấn mạnh và cho rằng, việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế như vậy là đủ thận trọng, đủ cần thiết, cần có lộ trình, quy định, quy trình để mở cửa là chắc chắn, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại.

Nhiều ảnh hưởng nếu "chậm chân" mở cửa

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines - cho biết các hãng đang rất "sốt ruột" mở lại đường bay. Gần như tất cả các hãng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có. Nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ bị biến mất trên thị trường.

Bay quốc tế: Mở cửa chắc chắn, tránh tuyệt đối mở ra rồi… đóng lại - 3

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng kế hoạch mở lại đường bay quốc tế (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Khi chúng ta không mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm" - ông Trung nói.

Xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chậm chân sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nêu quan điểm mở lại du lịch an toàn là cần thiết. SARS-CoV-2 ảnh hưởng rất nặng nề đến du lịch quốc tế và Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng cũng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch.

Theo ông Phúc, hiện toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng trở lại đón khách, từng bước mở cửa trở lại thị trường.