1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắt nửa tấn thịt chà bông nghi làm từ heo tai xanh và bìa các-tông

(Dân trí) - Giá 1kg chà bông chỉ 70-80.000đ, được tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL. “Bí quyết” của công nghệ sản xuất siêu rẻ này nhiều nghi vấn là, dùng heo bệnh tai xanh mua từ Thanh Hóa vào Cần Thơ, trộn với bìa các-tông, sẽ cho ra thứ thành phẩm chà bông rợn người nói trên.

Ngày 23/10, nhận được tin báo của quần chúng, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã bắt quả tang gần nửa tấn thịt heo chà bông thành phẩm tại nhà số 40/6, đường Nguyễn Thông (phường An Thới, quận Bình Thủy), do Lê Thị Bích làm chủ hộ.

 

Theo tìm hiểu của Dân trí, nghi vấn về việc sản xuất thịt chà bông từ heo tai xanh và bìa các-tông ngày một lộ rõ. Điều đáng nói, “sản phẩm” này đã được tiêu thụ ở khắp các tỉnh ĐBSCL trong một thời gian dài.

 

Lâu nay, những người dân xung quanh đã nghi ngờ chồng bà Bích trực tiếp vận chuyển heo tai xanh bị bệnh về chế biến, trộn với bìa các-tông làm thành thịt chà bông. Ngày 23/10, Ðoàn liên ngành quận Bình Thủy đã phát hiện tại địa chỉ trên đang tàng trữ 500kg thịt heo chà bông thành phẩm không rõ nguồn gốc đang bốc mùi hôi thối, được cất giữ trong nhà vệ sinh cùng với toàn phương tiện sản xuất loại thịt chà bông trên.

 

Khi có đoàn đến, chủ hộ và người làm đều bỏ trốn, khóa toàn bộ nhà cửa, kho chứa, phải mất 2 giờ đồng hồ mới phá cửa vào kiểm tra.

 

Chiều 27/10, ông Nguyễn Bá Hùng, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thủy, một thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành kể lại: Cơ sở sản xuất này hoàn toàn tách biệt, khi kiểm tra, 500 kg thịt chà bông thành phẩm được chất đầy trong phòng ngủ, một số bao đã bốc mùi thối. “Xưởng” sản xuất và đóng gói được đặt ở ngay phòng vệ sinh. Phòng vệ sinh được chia làm đôi, một làm nơi vệ sinh thật và một để chứa máy móc chế biến nhằm che mắt để tránh bị phát hiện. Toàn bộ căn phòng ẩm mốc, nặc mùi. Đoàn đã thu giữ 2 máy nghiền (nghi là dùng để nghiền các-tông) này tại phòng vệ sinh. Những chiếc máy đầy gỉ sét, nước bám quanh nhão nhẹt.

 

Ông Hùng cho biết thêm, hiện đoàn đã báo cáo UBND quận đề nghị tiêu hủy toàn bộ máy móc và thịt chà bông thành phẩm, xử phạt hành chính cơ sở này 15 triệu đồng. Đồng thời, 5kg thịt chà bông mẫu đã được gửi đến Trung tâm y tế dự phòng thành phố kiểm nghiệm, trong vài ngày tới sẽ có kêt quả cụ thể.

 

“Theo nghi vấn, thành phần  bìa các-tông trong thịt chà bông thành phẩm có thể lên đến 30%” - ông Hùng nói. “Chưa kể tới rất nhiều độc tố khác được sử dụng trong quá trình sản xuất”. Đó là lời lý giải vì sao sản phẩm của cơ sở này chỉ bán với giá 70-80.000 đ/kg, rẻ gấp 3 lần giá thị trường.

 

Trung tá Dương Văn Ngoan, đội trưởng Ðội CSÐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thủy cho biết: Cơ sở này không hề có đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng theo ông Ngoan, nghi vấn ban đầu về việc sản xuất thịt chà bông từ heo tai xanh và bìa các-tông đã lộ rõ.

 

Bắt nửa tấn thịt chà bông nghi làm từ heo tai xanh và bìa các-tông - 1
 Biên bản vi phạm của cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Bích.

 

Theo điều tra ban đầu, chồng bà Bích (quê gốc ở Thanh Hóa) là một tài xế lái xe Bắc - Nam lâu năm nên có thể đã xây dựng được một đầu mối cung cấp heo bệnh, thậm chí có thể đã dùng cả heo tai xanh đã chôn thiêu hủy để làm nguyên liệu.

 

“Theo thông tin có được, chồng bà Bích đã mua heo bệnh tai xanh tại Thanh Hóa với giá 100 ngàn đồng/con (100 kg), heo chết đã được sơ chế ngay tại nơi mua sau đó đem vào Cần Thơ theo xe khách để trộn với bìa các-tông” - ông Ngoan nói. Đặc biệt, qua điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện loại chà bông thành phẩm của cơ sở này đã được bán tại rất nhiều chợ của quận Bình Thủy (Cần Thơ) và thường xuyên vận chuyển với số lượng lớn để tiêu thu tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau… mỗi ngày khoảng 150 kg.

 

“Theo tố cáo, cơ sở này sản xuất từ đầu năm 2008 nhưng thực tế đã có từ rất lâu” - ông Ngoan khẳng định. Cơ sở này đã từng bị Trung tâm y tế dự phòng kiểm tra một lần vào năm 2004, tịch thu 70 kg thịt chà bông và yêu cầu đăng ký kinh doanh nhưng đã không chấp hành.

 

Sau khi đoàn kiểm tra lập văn bản, Công an quận Bình Thủy đã có giấy triệu tập bà Lê Thị Bích đến làm việc nhưng hiện cả hai vợ chồng đều chưa thấy xuất hiện. Trao đổi với PV Dân trí, Trung tá Dương Văn Ngoan cho biết: “Ngoài việc xử lý hành chính, chúng tôi tiếp tục theo dõi điều tra vụ việc. Nếu sai phạm của cơ sở này có dấu hiệu cấu thành tội hình sự, chúng tôi sẽ giải quyết triệt để”.

 

Hiện tại, dư luận địa phương đang rất xôn xao và bất bình trước việc làm ăn gian dối của cơ sở này. Đặc biệt, không ít người đang hoang mang khi đã nhiều lần trót ăn phải loại thực phẩm kinh hoàng này.

 

Nhật Trường