“Bất lực” với quy định mới về “cấm” thuốc lá?!

(Dân trí) - “Ngay tại nơi tiếp xúc cử tri, người hút thuốc vẫn “hun mù mịt” hội trường. Giờ nghỉ, có ĐBQH lên tiếng góp ý, người vi phạm chỉ “cười khẩy” hỏi lại: “Đại biểu thử nghĩ xem quy định như vậy có thực hiện được không?”…

Đây là một câu chuyện rất “thời sự”, vừa diễn ra tuần trước, khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã chính thức có hiệu lực thi hành được gần nửa tháng được một nữ đại biểu là ủy viên UB Các vấn đề xã hội kể lại tại Hội nghị thúc đẩy triển khai thực hiện luật do UB này tổ chức ngày 16/5.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có liệu lực từ 1/5, đến thời điểm này cả 4 văn bản hướng dẫn đều đã trình lên Thủ tướng và sẽ sớm ban hành trong những ngày tới (chậm nhất là đầu tháng 6). Tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn như này, theo đánh giá của ông Quang là rất sớm, khả quan.

Về việc triển khai các quy định cụ thể của luật, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá, ông Quang cho biết, đến tháng 8/2013, những bao thuốc lá mềm có in hình ảnh cảnh báo tác hại khi hút thuốc sẽ có trên thị trường. Đến tháng 10 tới lượt loại thuốc lá trong bao cứng được in cảnh báo trực quan chính thức bán ra.

Đó là những bước đi được định sẵn trong lộ trình. Còn hiện tại, thực tế, dù luật đã có hiệu lực được nửa tháng, tình trạng người hút thuốc lá ngang nhiên tại các điểm cấm hút thuốc vẫn phổ biến. “Vi phạm nhan nhản, luật bất lực đứng nhìn” được Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá là khái quát đúng nhất trong bối cảnh.
 
“Bất lực” với quy định mới về “cấm” thuốc lá?!
Từ khi có quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, mới chỉ 3 trường hợp hút thuốc trong bệnh viện bị phạt tiền.

Về việc xử phạt vi phạm, ông Nguyễn Huy Quang thở dài cho biết, đến nay mới có 3 trường hợp người nhà bệnh nhân hút thuốc trong bệnh viện bị Giám đốc một bệnh viện ở Lào Cai phạt tổng cộng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt này lại… sai thẩm quyền.

Ông Quang gợi ý hướng thực hiện luật tới đây, ngoài biện pháp xử phạt hành chính, phạt tiền cần chú ý đến hướng áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, “trục xuất” khỏi địa điểm công cộng với người hút thuốc vi phạm. Cách này để xử lý trong tình huống không phải lúc nào cũng có người có thẩm quyền xử phạt tiền có tại địa điểm cấm hút thuốc.

Mức phạt tiền tăng gấp đôi (từ 50.000-150.000 lên 100.000-300.000 đồng/lần vi phạm) so với quy định năm 2005 cũng được Vụ trưởng Quang kỳ vọng là sẽ tăng sức răn đe đối với những người vi phạm.

Ngược lại với những nhận định khả quan này, một đại biểu đến từ Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính lại cho rằng, theo quy trình, lúc trình dự án luật ra Quốc hội, cơ quan soạn thảo đồng thời phải báo cáo kèm cùng các văn bản hướng dẫn dưới luật để có thể thi hành ngay khi luật được thông qua, có hiệu lực. Tuy nhiên, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được chuẩn bị, bàn thảo qua 2 kỳ họp Quốc hội suốt hơn 1 năm qua nhưng đến nay các văn bản về điều khoản thi hành mới chỉ nằm trên bàn Chính phủ, nghĩa là quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

Đại biểu dẫn chứng: “Chúng tôi là người nghiện thuốc lá mấy chục năm nay, bản thân đều rất muốn cai nghiện vì đều biết hút thuốc lá rất nhiều tác hại nhưng bỏ thật khó. Ngay vấn đề quy trình cai nghiện như nào, hướng dẫn sao, sử dụng thuốc gì – phần việc thuộc trách nhiệm Bộ Y tế - mà đến nay vẫn chưa bao giờ có hướng dẫn chính thức nào. Chỉ thấy đủ loại thuốc để cai nghiện được quảng cáo trên thị trường, chúng tôi cũng mò mẫm mua về dùng mãi nhưng không thấy hiệu quả”. Đại biểu cho rằng, vấn đề cần lúc này là đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của luật chứ không phải tuyên truyền về tác hại thuốc lá vì việc này đến trẻ con cũng hiểu nhiều.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá khó đi vào cuộc sống, theo đó, được đại biểu chỉ rõ là vì kỷ cương xã hội nhiều mặt chưa nghiêm.

Tán thành hướng đánh giá này, một đại biểu Quốc hội, ủy viên UB Các vấn đề xã hội nêu băn khoăn về việc sát ngày luật có hiệu lực mà hoàn toàn không thấy sự chuyển biến đáng kể nào. Theo đại biểu này, đáng ra, khi luật chuẩn bị có hiệu lực, cơ quan chức năng đã phải tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ, tập trung vào những quy định, chế tài xử phạt mới nghiêm khắc hơn hướng tới đối tượng điều chỉnh để mỗi người hút thuốc cũng phải “chột dạ”, biết sợ, có định rút điếu thuốc lá ra cũng phải nhìn trước nhìn sau trước khi châm lửa.

Thực tế, qua một vài phóng sự trên truyền hình, một số bài báo “dọn đường” cũng chỉ thấy những phản ánh kiểu “người dân mới chỉ lờ mờ… nghe nói có luật về nội dung này”. “Vụ trưởng Quang có vẻ lạc quan quá. Tôi thì không dám mừng sớm như vậy. Tôi thấy, thực tế phải thừa nhận, công việc chuẩn bị của chúng ta cho luật này có rất hạn chế” – đại biểu thẳng thắn phê.

Một nữ đại biểu khác của UB Các vấn đề xã hội cũng gật đầu xác nhận, đợt tiếp xúc cử tri của bà ở Cao Bằng tuần trước, ngay tại hội trường UBND phường, xã (nơi tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri), người hút thuốc vẫn “hun mù mịt” hội trường. Có đại biểu lên tiếng góp ý trong giờ nghỉ, người vi phạm chỉ “cười khẩy” hỏi lại: “Đại biểu thử nghĩ xem quy định như vậy có thực hiện được không?”.

Ở một xã khác, người dân trồng thuốc lá trong vùng trông thấy đại biểu Quốc hội là than, sao làm ra luật đó để làm ảnh hưởng đến đời sống, công ăn việc làm, kế sinh nhai của gia đình người ta (!).

Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nhi TƯ Vũ Quý Hợp nêu kinh nghiệm tại đơn vị. Bệnh viện Nhi TƯ phát động phong trào bệnh viện không khói thuốc lá từ năm 2006. Đến năm 2010, bệnh viện nâng cao, thực hiện ráo riết hơn hoạt động phòng chống này. Bệnh viện đã nêu yêu cầu các bác sĩ không hút thuốc, các căng tin trong bệnh viện cũng buộc phải cam kết không bán thuốc lá.

“Kết quả khả quan nhất là đã rất hiếm nhìn thấy nhân viên y tế hút thuốc lá. Có thể việc này không thể khẳng định tuyệt đối nhưng ít nhất, các y bác sĩ cũng “tế nhị” hơn, chỉ hút ở những chỗ kín, khuất để bệnh nhân và người nhà không phải chứng kiến cảnh đó” – ông Hợp nói.

Đối với các nhân viên y tế trong bệnh viện, Chủ tịch Công đoàn Vũ Quý Hợp phân tích, không hẳn quy định “cấm” thuốc lá mang lại tác dụng là có nhiều người nghiện thuốc lâu năm phải từ bỏ mà hầu hết vì lý do sức khỏe, những y bác sĩ lớn tuổi buộc phải bỏ thuốc vì những vấn đề sức khỏe phát sinh. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực của quy định là các nhân viên mới, lứa y bác sĩ trẻ vào làm việc rất ít người hút thuốc.

Đối với người nhà bệnh nhân, ông Hợp lại cho rằng tình hình không mấy khả quan vì thực tế, rất khó ngăn cản đối tượng này hút thuốc trong khuôn viên vì mỗi ngày số người trong nhóm này luân chuyển, vào ra bệnh viện rất cao, có đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn lượt. Ngoài ra, có “mục sở thị” người hút thuốc vi phạm quy định cấm, các nhân viên y tế cũng thường ngại góp ý, ngăn chặn, can thiệp vì tâm lý muốn tránh phản ứng thái quá của gia đình bệnh nhân trong cảnh bản thân họ cũng đang hết sức căng thẳng vì con cháu đang đau ốm, nằm viện.  

Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong một số nhóm đối tượng như sau:

Thanh thiếu niên (từ 15-24 tuổi) giảm từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020.

Nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020.

Nữ giới xuống dưới 1,4% năm 2020.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành được xác định:

Bộ Y tế: Xây dựng chương trình giáo dục “chống” thuốc lá; chủ trì công tác tuyên truyền về luật; kêu gọi người dân tuân thủ quy định về thực hiện môi trường không khói thuốc.

Bộ VH-TT&DL, Bộ TT-TT: Kiểm soát chặt quy định cấm toàn diện việc quảng cáo, các hình thức thể hiện việc tuyên truyền cho hoạt động hút thuốc lá trên phim ảnh, thể thao, báo đài, mạng, xuất bản phẩm…

Bộ Công thương: Thí điểm cấp phép các điểm bán lẻ thuốc lá; chống buôn lậu thuốc lá…

Bộ Tài chính: Thành lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá; Xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc…

P.Thảo