1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bắt buộc mua bảo hiểm xe máy vì mục đích nhân đạo

Mấy ngày nay, lượng người đi mua bảo hiểm xe máy khá đông, tuy nhiên đa phần mua để chống đối. Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn Luật và điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ, đường sắt, khẳng định: Quy định này được đưa ra nhằm mục đích nhân đạo.

Bắt buộc mua bảo hiểm xe máy vì mục đích nhân đạo - 1
(Ảnh minh họa: Vietnamnet)
 
Bắt đầu từ giữa tháng 4/2009, việc xử phạt chủ xe cơ giới (kể cả ôtô và xe máy) nếu không có giấy chứng nhận bảo hiểm được thực hiện. Đó cũng là  nội dung của Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính vừa ban hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khi tiến hành tìm hiểu những vấn đề xung quanh việc mua bảo hiểm cho xe máy, chúng tôi nhận thấy nhiều người dân vẫn chưa hiểu đúng về lợi ích của loại bảo hiểm này nên vẫn thờ ơ, thậm chí là đối phó.

 

Trước giờ G, rục rịch đi mua bảo hiểm xe máy

 

Điểm đăng ký xe tại Phòng CSGT Hà Nội vào ngày 4/3. Khách đến làm các thủ tục giấy tờ khá đông. Ở một điểm dễ nhìn thấy nhất ngay tại nơi nhận giấy đăng ký xe là bàn bán bảo hiểm của doanh nghiệp Bảo Minh. Mặc dù tấm biển đề: “Bảo hiểm ôtô, xe máy. Bảo Minh tận tình phục vụ” đỏ chót, khá ấn tượng với người qua lại, nhưng dường như chẳng ai mặn mà với thông tin đó. Đứng quan sát một lúc, chúng tôi không thấy có người hỏi mua bảo hiểm. Chiếc ghế dành cho người ngồi bán cũng trống không.

 

Một nhân viên bảo hiểm cho biết: “Mấy hôm nay, lượng khách đến mua có vẻ nhiều hơn. Có lẽ chủ phương tiện đã nắm được thông tin về vấn đề này”.

 

Trước cổng Phòng CSGT Hà Nội, một thanh niên vừa mua bảo hiểm mức 65.000 đồng/năm khoe chúng tôi tấm giấy chứng nhận bảo hiểm mới toanh và đồng ý cho chúng tôi chụp ảnh lại. Lý giải việc này, anh bảo “thấy có quy định thì mua”.

 

Trao đổi với một số người đến làm thủ tục đăng ký xe máy tại đây, chúng tôi nhận được khá nhiều luồng thông tin khác nhau. Có người cho rằng, việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới là cần thiết để giảm bớt trách nhiệm của chủ phương tiện khi có tai nạn xảy ra. Vả lại, số tiền mua bảo hiểm một năm cũng không nhiều, mức cao nhất chỉ là 86.000 đồng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cũng nhiều người có ý kiến cho rằng: “Phương tiện là của tôi, cũng chẳng đáng bao tiền, nếu có điều gì xảy ra đối với tôi thì tôi tự chịu. Còn nếu ai gây tai nạn cho tôi thì người đó phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại. Pháp luật đã quy định điều đó rồi cơ mà!”. Với suy nghĩ như vậy, nên mặc dù đã có nhiều người rục rịch đi mua bảo hiểm, nhưng chủ yếu là để chống đối, chống bị phạt.

 

Theo Thông tư liên tịch số 35 và Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008, người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe môtô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng. Đối với người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự vi phạm quy định trên sẽ bị phạt 500.000 đồng. Trường hợp quên mang giấy bảo hiểm và về nhà lấy mang tới cũng không được chấp nhận...

 

“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe cơ giới nhằm mục đích nhân đạo”

 

Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn Luật và điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng: “Hiện nhiều người dân chưa hiểu hết về quyền lợi của chủ xe, đặc biệt là người bị gây tai nạn. Đây là biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn cho nạn nhân, nhất là khi họ không có điều kiện đền bù. Quy định này đưa ra nhằm mục đích nhân đạo. Hiện nay có nhiều gói bảo hiểm và chủ phương tiện có nhiều cách lựa chọn, nhưng tối thiểu phải chọn gói bảo hiểm trách nhiệm dân sự”.

 

Một nhân viên bảo hiểm của Bảo Việt cho biết, bảo hiểm xe máy hiện có các gói: 66.000 đồng (bảo hiểm trách nhiệm dân sự); 76.000 đồng,  86.000 đồng (bảo hiểm tự nguyện cho người thứ 2, người thứ 3).

 

Theo quy định, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe môtô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới cho người tàn tật) gây ra là 30 triệu đồng/một vụ tai nạn. Khi mua gói bảo hiểm tự nguyện, người bị nạn mất, mức bảo hiểm chi trả có thể lên đến 50 triệu đồng.

 

Thực tế, tâm lý tham gia bảo hiểm xe máy để đối phó của một bộ phận người dân là do chưa thực sự tin tưởng vào việc thực hiện bảo hiểm khi xảy ra sự cố. Do vậy, Nghị định số 103/2008/ NĐ-CP đã có quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường đã được giao kết thì sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng - 70 triệu đồng.

 

Theo Việt Hà - Cao Hồng

Công an nhân dân