Bảo vệ hệ thống sông lớn nhất miền Đông Nam bộ
(Dân trí) - Chạy qua 10 tỉnh thành, Đồng Nai là hệ thống sông lớn nhất miền Đông Nam bộ, ảnh hưởng đến đời sống của 12 triệu dân; nhưng đang có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một đề án gần 2.000 tỷ đồng bảo vệ sông ra đời.
Sáng 27/6, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (KHTLMN) đã tổ chức hội thảo giới thiệu đề án Bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai (BVMTHTSĐN) đến năm 2020. Tại đây, TS Đỗ Tiến Lanh - Phó Viện trưởng Viện KHTLMN cho biết: “Sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng của khu vực này thời gian qua đặt ra cho HTSĐN hai vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết, đó là: thiếu nước và ô nhiễm môi trường”.
HTSĐN bao gồm nhiều con sông, trong đó quan trọng nhất gồm có: Đồng Nai, Sài Gòn, La Ngà, Vàm Cỏ, Bé, Thị Vải… Mỗi năm nó cung cấp hơn 1 tỷ m3 nước sinh hoạt cho dân cư sống ven bờ và các đô thị lớn như TPHCM, Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) qua các nhà máy lọc nước Tân Hiệp, Thủ Đức, Hóa An…
Ngoài ra, HTS này còn cung cấp hàng chục tỷ m3 nước/năm cho ngành công nghiệp của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) và phục vụ tưới tiêu cho 1,85 triệu ha cây trồng trong lưu vực của HTS.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhu cầu sử dụng nước sông cho sinh hoạt, sản xuất ngày càng tăng do kinh tế phát triển, dân số vùng ven sông tăng nhanh mà HTSĐN lại đang có dấu hiệu cạn kiệt. Hiện tại, lưu lượng nước của cả hệ thống là 41,5 tỷ m3/năm phục vụ 12 triệu người, tức là bình quân gần 3.500 m3/người/năm.
Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy, viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, cho biết: “Theo tiêu chuẩn quốc tế, nước nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/năm là quốc gia thiêu nước. Như vậy, lưu vực HTSĐN không còn là lưu vực có nguồn nước dồi dào nữa”.
Ngoài ra, trong tương lai gần thì vấn đề ô nhiễm nước sông lại đáng báo động hơn. Trong những con sông chính của HTSĐN thì sông Sài Gòn vốn mang tiếng đang “chết”, như Dân trí từng phản ánh, tình hình sông Đồng Nai cũng không khá hơn. Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, tại một số khu vực gần Biên Hòa, nước sông có hàm lượng coliform vượt chuẩn từ 186 đến 920 lần, có nơi vượt đến 1.860 lần.
Mỗi ngày, sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 60.000m³ nước thải từ các cơ sở sản xuất đóng trong 24 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đó là chưa kể lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh bên ngoài KCN. Hầu hết lượng nước thải này là thải trực tiếp, không qua xử lý.
Tình hình trên sông Thị Vải thì còn bi đát hơn. Tại hội thảo nhân ngày Môi trường thế giới (ngày 5/6) vừa qua tại TPHCM, PGS.TS Bùi Cách Tuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết: sông Thị Vải là con sông ô nhiễm nhất hệ thống, có một đoạn sông chết dài trên 10km đoạn từ hợp lưu Suối Cả - Thị Vải đến KCN Mỹ Xuân.
Tính tổng thể, toàn HTSĐN mỗi ngày phải nhận khoảng 1,73 triệu m³ nước thải sinh hoạt; trong đó có 702 tấn cặn lơ lửng, 756 tấn COD, 421 tấn BOD5, nhiều vi trùng gây bệnh và các tác nhân gây ô nhiễm khác. Dự kiến vào năm 2010, HTS này còn phải tiếp nhận thêm khoảng 1,54 triệu m³ nước thải công nghiệp với nhiều chất độc hại, trong đó có cả kim loại nặng...
Do vậy, việc bảo vệ và phát triển nguồn nước HTSĐN là một vấn đề hết sức bức thiết trong thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã rất nổ lực thuyết phục để Chính phủ thông qua đề án BVMT HTSĐN. Theo đó, ngân sách Nhà nước, chính quyền các tỉnh có HTSĐN đi qua, các doanh nghiệp sử dụng nước của hệ thống phải đóng góp 1.938 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để thực hiện đề án.
Bước đầu tiên của đề án sẽ thực hiện từ 2008-2010 là lập ngay Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực HTSĐN, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm sông, thu gom các chất thải trên sông để cải thiện môi trường nước, hạn chế việc khai thác cát và bảo vệ rừng đầu nguồn để phát triển nguồn nước…
Tùng Nguyên