Bảo tồn loài lưỡng cư quý hiếm chỉ có ở Vườn quốc gia Hoàng Liên
(Dân trí) - 3 loài lưỡng cư đặc hữu chỉ có tại Vườn quốc gia Hoàng Liên là cóc mày botsord Leptobrachella botsfordi; cóc sừng Fansipan Megophrys fansipanensis và ếch cây Hoàng Liên Rhacophorus hoanglienensis).
Đây là thông tin được nêu tại hội thảo khoa học "Bảo tồn lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2021-2022 trong khuôn khổ dự án ASAP và kế hoạch hành động đến năm 2027" vừa tổ chức tại thị xã Sa Pa (Lào Cai).
Đây là hoạt động nằm trong chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Vườn quốc gia Hoàng Liên (Việt Nam) với Hội Động vật London (Vương quốc Anh) và Bảo tàng quốc gia Australia.
Theo thông tin của Vườn quốc gia Hoàng Liên, tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả bảo tồn các loài lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017-2022; báo cáo kết quả nghiên cứu kích thước quần thể hai loài ưu tiên là cóc răng sterling - Oreolalax sterlingae và cóc mày Botsford -Leptobrahcella botsfordi tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2021-2022 và kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn loài đến năm 2027.
Theo báo cáo tại hội thảo, đã có 12 đợt nghiên cứu thực địa được thực hiện ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Khu vực suối Cát Cát, suối Vàng tại Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ, khu vực 2200 m Trạm Tôn, 2800 m Trạm Tôn, suối 2600 m Trạm Tôn , suối 2500 m rừng Tùng (Cát Cát), núi Nam Kang Ho Tao…) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (núi Ky Quan San, núi Pu Ta Leng ).
Kết quả, cơ quan nghiên cứu đã ghi nhận hơn 40 loài tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (không bao gồm những loài đã ghi nhận trước đó).
Cơ quan nghiên cứu đã cập nhật danh lục với 88 loài thuộc 9 họ, 2 bộ cho khu hệ lưỡng cư ở Vườn quốc gia Hoàng Liên; mô tả 5 loài mới cho khoa học, gồm loài cóc sừng đùi đỏ (Megophrys rubrimera, được mô tả năm 2017 tại núi Fansipan), cóc sừng Fansipan (Megophrys fansipanensis) và cóc sừng Hoàng Liên (Megophrys hoanglienensis, được mô tả năm 2018 tại núi Fansipan và dãy Hoàng Liên Sơn), cóc sừng xứ lạnh (Megophrys frigida, mô tả năm 2020 tại núi Ky Quan San) và Cóc mày lá cỏ (Leptobrachella graminicola, mô tả năm 2021 tại núi Pu Ta Leng).
Tất cả các loài này đều là các loài đặc hữu của Việt Nam.
Cơ quan nghiên cứu cũng ghi nhận 5 loài lưỡng cư mới cho Vườn quốc gia Hoàng Liên, bao gồm cóc sừng khổng lồ (Megophrys gigantica), ếch suối tí hon (Amolops minutus), ếch suối Sơn La (Amolops otorum), ếch cây bay (Rhacophorus nigropunctatus) và ếch nhẽo Nguyễn (Limnonectes nguyenorum).
Ngoài ra, rất nhiều loài được ghi nhận ở những vùng phân bố/ độ cao mới từ kết quả thực địa chưa được công bố chính thức trong các báo cáo khoa học.
Trong số 88 loài lưỡng cư ghi nhận, có 13 loài đặc hữu của Việt Nam và 3 loài đặc hữu chỉ ghi nhận tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (là cóc mày botsord Leptobrachella botsfordi; cóc sừng Fansipan Megophrys fansipanensis, và ếch cây Hoàng Liên Rhacophorus hoanglienensis).
Hai loài Megophrys frigida và Leptobrachella graminicola được xác định là loài đặc hữu của Khu Bảo tồn thien nhiên Bát Xát.
Kết quả thu mẫu nước và phân tích gen môi trường (eDNA) tại 5 điểm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên cho kết quả có 10 loài được tìm thấy.
Đây là một trong những phương pháp mới áp dụng giúp tìm kiếm những loài quý, hiếm khó phát hiện bằng phương pháp điều tra thông thường.
Đối với hai loài ưu tiên cóc răng sterling (Oreolalax sterlingae) và cóc mày botsford (Leptobrachella botsfordi) đang có nguy cơ tuyệt chủng, gần đây, cơ quan quản lý đã mô tả từ núi Fansipan vào năm 2013.
Trong giai đoạn 2021-2022, các chuyên gia đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và đã phát hiện loài Cóc răng sterling xuất hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và rừng Tùng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Kết quả này mở rộng vùng phân bố tiềm năng của loài từ 8km2 lên 694.490km2. Đồng thời, từ kết quả ghi nhận, cơ quan chức năng hạ mức độ ưu tiên bảo tồn loài này từ Cực kỳ nguy cấp (CR) xuống Nguy cấp (EN) trong danh lục đỏ IUCN.
Đối với loài cóc mày botsford, nghiên cứu ghi nhận thêm sự phân bố của loài này ở rừng Tùng và núi Nam Kang Ho Tao trong Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đây là những ghi nhận hết sức có ý nghĩa đối với loài có vùng phân bố được biết đến cực kỳ hẹp này, mở rộng vùng phân bố tiềm năng của loài từ 8 km2 lên 108,5 km2.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã thực hiện xác định kích thước quần thể hai loài bằng phần mềm ID-Wild, điều tra giám sát bệnh dịch, điều tra đánh giá môi trường sống, nâng cao năng lực bảo tồn Lưỡng cư cho viên chức Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh Hoàng Liên.
Trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2027, dự án bảo tồn các loài lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực lân cận tập trung chủ yếu về thực hiện các biện pháp nâng cao mức độ bảo vệ loài; tổng hợp, bổ sung thông tin các loài đã tìm thấy; xác nhận sự đa dạng các loài lưỡng cư bằng những thông tin khoa học chính xác; xác định mối đe dọa cho công tác bảo tồn; mở rộng phạm vi nghiên cứu trên dãy núi Hoàng Liên; gắn kết các dự án lưỡng cư với các dự án về bò sát; tập trung vào mối liên hệ tích cực giữa khách du lịch và đa dạng sinh học; xuất bản các ấn phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các nội dung, phương pháp, các bước thực hiện kế hoạch; giải pháp bảo vệ, bảo tồn, phát triển các loài lưỡng cư, trong đó tập trung vào các giải pháp giảm thiểu xáo trộn về môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu đến các loài lưỡng cư, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân sinh sống trong khu vực về giá trị và bảo tồn loài động vật hoang dã nói chung và các loài lưỡng cư nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Năm, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên), lưỡng cư là nhóm loài động vật quan trọng trong chuỗi mắt xích tiến hóa và sinh tồn của sinh vật, là vật chỉ thị trong biến đổi khí hậu.
Các phát hiện ban đầu cho thấy lưỡng cư ở Vườn quốc gia Hoàng Liên có sự đa dạng bậc nhất Việt Nam, đặc biệt hơn, một số loài trong số chúng chỉ tìm thấy duy nhất ở đây và có thể khẳng định Vườn quốc gia Hoàng Liên có nguồn đa dạng sinh học, nguồn gen vô cùng quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới.