1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bảo tàng” nông cụ độc đáo của ông lão 80

(Dân trí) - Trước sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các nông cụ truyền thống của người nông dân dần biến mất, sợ con cháu mình mai sau sẽ không còn thấy nền văn hóa của cha ông, ông Hám lặn lội khắp nơi sưu tầm nông cụ mang về lập “bảo tàng”.

Một mình đập đá làm đường

 

Về đến thôn La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế, hỏi nhà ông Trần Hữu Hám là ai cũng vui vẻ chỉ đường: “nhà nào nhiều cây cảnh và chong chóng nhất là nhà ông Hám”.

 

Ở tuổi 82, ông Hám vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn, ông lý giải đó là do ông học tập theo tấm gương Bác Hồ.
 
“Bảo tàng” nông cụ độc đáo của ông lão 80 - 1

Ông Hám và "bảo tàng" nông cụ độc đáo của mình.

 

Lúc nghỉ hưu, hàng ngày chứng kiến cảnh trẻ đi học, bà con gánh lúa trên con đường liên thôn La Chữ lởm chởm đá, ổ voi, ổ gà, ông quyết định một mình đứng ra sửa đường cho bà con đi. Ông nhớ lại, lúc đó các con ông thấy tuổi bố đã cao nên không muốn ông làm việc nặng, nhưng “tôi đã quyết. Tôi thấy việc gì có ích cho mọi người thì tôi cứ làm”.

 

Thế là ngày ngày ông mang đồ ra xúc đất đá, đập những hòn đá lởm chởm, chuyển đến nơi khác làm nền đường, trồng cây xanh làm bóng mát. Chỉ vài tháng sau, từ một con đường nhiều “cạm bẫy”, đường liên thôn La Chữ đã trở nên bằng phẳng. Thấy việc làm có ý nghĩa của ông Hám, bà con liền góp công góp sức cùng ông hoàn thành nốt con đường. 
 

“Bảo tàng” nông cụ

 

Từ nhỏ ông Hám đã làm bạn với ruộng đồng, hình ảnh người nông dân, con trâu, cái cày… đã trở thành một phần máu thịt trong con người ông. Một lần tình cờ nhìn thấy tấm hình hai cô con gái đang vừa học vừa đạp nước tại một phòng tranh ở Huế, ký ức một thời làm nông ùa về trong ông, ông liền nảy sinh ý tưởng tìm lại những nông cụ đã mai một.
 
“Bảo tàng” nông cụ độc đáo của ông lão 80 - 2
Ông Hám tự hào khoe những món đồ mình sưu tầm được.
 
Mỗi tháng các con ông chu cấp cho ông 1 triệu đồng, ông dành hết số tiền đó đi khắp các miền quê sưu tầm các nông cụ về lập “bảo tàng” ngay tại nhà mình. Đến giờ “bảo tàng” của ông Hám đã lên tới hơn ba trăm các nông cụ, hiện vật, mô hình có giá trị như: cối xay lúa, đạp nước, xe quạt lúa… 
 

Tiếng lành đồn xa, ngôi nhà nhỏ của ông giờ đã trở thành nơi tham quan du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Ông nói: “Mình phải làm việc này không chỉ vì niềm đam mê của bản thân mà còn muốn lưu giữ cho thế hệ con cháu mai sau, để dù có phát triển, đất nước có đổi thay tới đâu chúng vẫn biết về hình ảnh người nông dân Việt Nam một thời lam lũ”.

 

Ông Hám cũng chia sẻ thêm: Sau này ông muốn hiến tặng các hiện vật mà ông có cho Bảo tàng Thừa Thiên - Huế, đó sẽ là nơi lưu giữ tốt nhất những nông cụ này cho muôn đời sau.

 

Thiên Thư