1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định:

Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của người cựu chiến binh

(Dân trí) - Gần 5 năm nay, ông đã lặn lội khắp Bắc - Nam tìm những kỷ vật của đồng đội để giữ gìn, từ đó mở một bảo tàng “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh”, nhằm lưu giữ những kỷ niệm khó quên về một thời khó khăn, hào hùng của dân tộc.

Đó là bảo tàng chiến tranh của người cựu chiến binh Vũ Đình Lưu (sinh năm 1945) nằm tại số 9/17 đường Đặng Việt Châu - thành phố Nam Định. Bảo tàng kỷ vật chiến tranh này đã tái hiện ký ức sinh động về thời kỳ lịch sử hào hùng và gian khổ nhất của dân tộc ta.

Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của người cựu chiến binh
"Bảo tàng kỷ vật chiến tranh" - nơi tái hiện lại ký ức sinh động về thời kỳ lịch sử hào hùng và gian khổ của dân tộc ta.

Từng tham gia các trận đánh lớn như Quảng Trị, Tây Nguyên, Lào, năm 1974, ông Lưu trở về quê với thương tật 2/4. Là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, ông Lưu hiểu rõ những giá trị tinh thần của những kỷ vật thời chiến. “Ý tưởng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh đã ấp ủ khi tôi đang là Đại đội trưởng trinh sát 312 tham gia kháng chiến chống Mỹ. Từ đôi dép, mảnh dù, chiếc bật lửa… thời chiến tôi luôn mang bên mình. Mỗi kỷ vật dù nhỏ bé nhưng là một câu chuyện ghi dấu ấn hào hùng của những người lính và cả thân nhân của họ. Phải lưu giữ và nhắc nhở thế hệ sau không quên một thời hào hùng của dân tộc. Đến tháng 4 năm 2007, trong một lần cùng đồng đội cũ thăm lại chiến trường xưa, thấy những kỷ vật mà những đồng đội đã hy sinh để lại, tôi đã nảy ra ý tưởng xây dựng một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh”.

Để tìm được những kỷ vật này ông Lưu đã vào Nam ra Bắc trải qua rất nhiều khó khăn.
Để tìm được những kỷ vật này ông Lưu đã vào Nam ra Bắc trải qua rất nhiều khó khăn.

Nghĩ là làm, ông Lưu bắt đầu cuộc hành trình đi tìm lại những kỷ vật từ thời chiến. Từ Bắc vào Nam rồi lên Tây Nguyên, nơi đâu có những người gìn giữ các kỷ vật từ thời chiến ông đều đi đến tận nơi, tận tay mình mang về bảo tàng trưng bày. Sau mỗi chuyến đi như thế, ông lại mang về khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, lúc vài con dao nhíp hay cuốn nhật ký còn viết dở… Con đường đi tìm lại kỷ vật của ông cũng lắm gian nan, mỗi kỷ vật đều mang dấu ấn một hành trình, một câu chuyện vui buồn.

Những kỷ vật của các liệt sỹ, trong đó có những dòng nhật ký đầy xúc động.
Những kỷ vật của các liệt sỹ, trong đó có những dòng nhật ký đầy xúc động.

Đến tháng 12/2007, được sự giúp đỡ của các đồng đội, bạn bè và cán bộ Bảo tàng Nam Định, ý nguyện mở bảo tàng “Kỷ vật chiến tranh” của ông Lưu đã trở thành hiện thực. Bảo tàng chỉ là một căn phòng vỏn vẹn gần 40m2. Ngày đầu thành lập, bảo tàng chỉ khoảng hơn 300 kỷ vật. Về sau, khi biết được tấm lòng của ông, những đồng đội cũ, bạn bè gần xa khắp mọi miền Tổ quốc đã tìm đến tặng kỷ vật của họ. Đến nay bảo tàng đã có hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh.

Bảo tàng chia thành 3 khu vực: Khu vực đặt kỷ vật kháng chiến chống Pháp, kỷ vật chống Mỹ và kỷ vật thời kỳ bao cấp. Trong đó nhiều nhất là khu chống Mỹ với hơn 500 kỷ vật, thời kháng chiến chống Pháp với gần 200 kỷ vật và còn hàng trăm kỷ vật thời kỳ bao cấp.

Những kỷ vật của các liệt sỹ, trong đó có những dòng nhật ký đầy xúc động.

Những kỷ vật của các liệt sỹ, trong đó có những dòng nhật ký đầy xúc động.
Những vật dụng không thể thiếu trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhưng đầy hào hùng của dân tộc ta.

Có cả súng, đạn thời chiến được bảo quản rất tỉ mỉ và cẩn thận.
Có cả súng, đạn thời chiến được bảo quản rất tỉ mỉ và cẩn thận.

Từ khi bảo tàng được mở đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Mỗi khi khách đến, ông Lưu kiêm luôn hướng dẫn viên giới thiệu, kể về từng đồ vật. Ông Lưu tâm sự: “Trước đây thì nghĩ với diện tích này đủ để trưng bày các đồ vật, nhưng đồng đội ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc biết đến đều tặng lại cho tôi nhằm lưu giữ lại để cho các thế hệ sau. Số lượng các kỷ vật ngày một tăng nhiều nên diện tích ngày càng chật đi”.

Để bảo quản tốt những kỷ vật, ông Lưu còn kỳ công trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút bụi, hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa...Mỗi tháng ông lại cẩn thận ghi chép, thống kê lại các kỷ vật rồi báo cáo chi tiết về tình hình sử dụng, hiện trạng của các hiện vật trong bảo tàng lên các cơ quan chức năng.

Máy ảnh, ống nhòm... thời chiến của các phóng viên.
Máy ảnh, ống nhòm... thời chiến của các phóng viên.

Thường thì mỗi một kỷ vật đều gắn với một câu chuyện cảm động, ông Lưu chỉ vào một bộ đồ dụng cụ y tế do dược sỹ Phạm Văn Bổng ở Nho Quan (Ninh Bình) tặng, kể: “Năm 2012 tôi đến nhà anh Bổng là dược sỹ làm việc tại binh trạm 38, đường 9 Nam Lào, thuộc tỉnh Attapeu của Lào. Cũng tình cờ trong ngày hôm đó được gặp cả bác sỹ Vũ Đình Khôi là trạm trưởng của binh trạm này và thương binh Đặng Kim Tịch, người đã từng điều trị tại binh trạm 38. Qua câu chuyện của 3 người kể, lúc đó đang thời chiến tranh khốc liệt, binh trạm 38 thì có quá nhiều chiến sỹ bị thương, thuốc men thiếu thốn đủ đường. Đúng lúc cần nước cất thì không có, nên anh Bổng và anh Khôi đã dùng màn tuyn, chăn hấp nóng lên và tăng (nilon rộng) che lại để tạo thành môi trường vô trùng làm nước cất.

Bộ dụng cụ y tế của dược sỹ Phạm Văn Bổng tặng lại cho bảo tàng.
Bộ dụng cụ y tế của dược sỹ Phạm Văn Bổng tặng lại cho bảo tàng.

Sau khi tạo ra nước cất, không biết chắc nước đã vô trùng chưa nên anh Khôi không dám tiêm cho những đồng chí bị thương, lúc đấy anh Bổng bảo anh Khôi tiêm nước cất vào người mình trước. Nếu sau 15 phút mà anh Bổng vẫn bình thường thì sẽ tiêm cho những người bị thương. Cũng nhờ có sự dũng cảm đó mà rất nhiều đồng chí bị thương đã được cứu, trong đó có anh Đặng Kim Tịch”.

Hàng ngày ông Lưu đều dậy từ sáng sớm cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi từng kỷ vật trong bảo tàng.
Hàng ngày ông Lưu đều dậy từ sáng sớm cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi từng kỷ vật trong bảo tàng.

Hàng ngày ông Lưu đều dậy từ sáng sớm, cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi từng kỷ vật mà với ông đó là những báu vật vô giá. Mỗi một kỷ vật dù nhỏ bé nhưng là một câu chuyện ghi dấu ấn hào hùng của những người lính và cả thân nhân của họ. Ông tâm niệm: Phải lưu giữ và nhắc nhở thế hệ sau không quên lãng một thời hào hùng của dân tộc. 

Đức Văn - Trần Lê