Bão số 8 hình thành, hướng vào Quảng Bình - Bình Định
(Dân trí) - Nhanh chóng tăng cấp, bão số 8 đang tiến sâu vào vùng biển nước ta. Dự báo, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình - Bình Định nằm trong tầm ảnh hưởng của bão; các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa từ chiều mai sẽ có mưa to đến rất to.
Đường đi của cơn bão số 8
Đến 7h ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ kinh Đông, trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình - Bình Định từ sáng mai (18/9), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Khu vực các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa từ chiều mai sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Thông tin từ Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng nay cho biết, do ảnh hưởng của bão 8, các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định, các tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai và Kon Tum có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm. Trong đó, các địa phương có lượng mưa lớn như Ba Tơ (Quảng Ngãi): 121mm; Giá Vực (Quảng Ngãi): 136mm; An Hòa (Bình Định): 86mm; Phù Mỹ (Bình Định): 92mm.
Trong 3 ngày qua, từ ngày 13-16/9, các tỉnh trong khu vực có lượng mưa phổ biến từ 30-80mm, tập trung ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Hiệp Đức (Quảng Nam):181mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi): 338mm, Minh Long (Quảng Ngãi): 277mm, An Hòa (Bình Định): 231mm, Phù Mỹ (Bình Định): 197mm.
Dự báo trong những ngày đến, lượng mưa các tỉnh trên địa bàn có khả năng sẽ tăng do ảnh hưởng của bão số 8 đang hướng về đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.
Tình hình thủy văn trên các sông ở Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên đã lên lại và đạt đỉnh nhưng còn dưới mức báo động 1.
Trong diễn biến liên quan, ngày 17/9, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, chú ý 26 phương tiện đang hoạt động ở khu vực Tây Bắc Hoàng Sa.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương, quản lý các hồ chứa nước theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, kiểm tra an toàn hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN các quận, huyện rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão), đề phòng áp thấp nhiệt đới (bão) đi vào đất liền, triển khai ngay phương án phòng, chống lũ tại các khu dân cư vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó; sẵn sàng phương án phòng chống lũ…
Theo quan sát của PV Dân trí, từ sáng đến trưa ngày 17/9 trên địa bàn Đà Nẵng, trời bắt đầu có mưa vừa đến mưa to. Các tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã lần lượt chạy vào âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) để tránh bão số 8.
Tuyến đường Hoàng Sa ven biển các phường Thọ Quang, Mân Thái… (quận Sơn Trà), ngư dân cũng đã bắt đầu đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão.
Phạm Thanh - Công Bính