Bão số 6 hướng thẳng vào Nghệ An - Thanh Hóa

(Dân trí) - Bão số giật cấp 13, 14 đang hướng thẳng vào vùng ven biển Nghệ An, Thanh Hóa. Biển miền Bắc lại có thêm một đợt không khí lạnh kết hợp với bão, gây thời tiết xấu. Trong khi đó, lũ tại ĐBSCL vẫn ở mức cao vượt lịch sử, diễn biến phức tạp.

Theo thông báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 13h chiều nay (2/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo đến 13h ngày mai  (3/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Bão số 6 hướng thẳng vào Nghệ An - Thanh Hóa - 1

Bão số 6 đang hướng thẳng vào vùng biển Nghệ An- Thanh Hóa. (Ảnh: NCHMF)


Đến 13h ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 310km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Chuyên gia khí tượng thông báo thêm, tại miền Bắc, từ đêm nay sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ từ đêm nay gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chuyển lạnh về đêm.

Như vậy, bão số 6 là cơn bão thứ 3 liên tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam trong vòng 2 tuần qua.

Cùng đó, theo báo cáo từ cơ quan khí tượng, lũ lịch sử tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tiếp diễn biến phức tạp. Mực nước đầu nguồn, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang dao động ở mức rất cao (trên dưới báo động 3), tại một số trạm mực nước lũ cao trên lịch sử như: Long Xuyên, Cần Thơ, Chợ mới. Dự báo trong 1, 2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống chậm nhưng vẫn còn duy trì ở mức rất cao.

Tập trung cao độ đối phó bão số 6 và lũ lịch sử tại ĐBSCL

Cũng trong chiều nay, tại cuộc họp của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục yêu cầu các địa phương tinh thần kiên quyết trong các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm khắc các hành vi cố tình không chấp hành lệnh sơ tán, cấm biển. Đồng thời, cần tính đến tình huống xấu nhất để chuẩn bị các biện pháp ứng phó.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; tính toán chính xác để đảm bảo điều tiết được lũ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, các hồ chứa tại miền Bắc miền Trung vẫn đang ở mức nước thấp, nếu bão vào và gây mưa, hệ thống hồ chứa có thể đáp ứng được việc điều tiết lũ.

Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến 12h  trưa nay, đã thông báo, kêu gọi được 21.516 tàu, thuyền/107.701 lao động và 326 bè/738 lao động biết vị trí, diễn biến của bão số 6 để chủ động phòng tránh. Hiện không có tàu, thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc Biển Đông.

Sáng mai (3/10), Phó Thủ tướng Hoàng sẽ trực tiếp vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để kiểm tra công tác chống lũ ở đây.

P. Thanh