Bão số 5 tăng cường độ và tốc độ, có thể vào đất liền sớm hơn
(Dân trí) - Ảnh hưởng của cao cận nhiệt đới đã làm cho bão số 5 tăng cường độ, tốc độ. Do đó, cơn bão này được dự báo sẽ vào đất liền khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ khoảng 8h-10h sáng mai (18/9).
Sáng nay (17/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp về công tác ứng phó với bão số 5. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của cao cận nhiệt đới nên bão số 5 đã tăng về cường độ và tốc độ. Sáng nay, bão đã mạnh lên cấp 10, hướng di chuyển hơi lệch xuống phía Nam một chút. Tuy nhiên, hướng di chuyển của bão vẫn vào khu vực đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.
Dự báo, khi bão đổ bộ vào đất liền, bão vẫn giữ ở cường độ cấp 10-11 và có khả năng đạt cấp 12.
"Vùng gió mạnh của bão có khả năng mở rộng đến khu vực tỉnh Quảng Nam. Ngày 18/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, trọng tâm chính là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13", ông Khiêm thông tin.
Cũng theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn sẽ tập trung ở Trung Bộ từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động 2 ở các tỉnh Trung Bộ kèm nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Theo ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục phòng chống thiên tai): Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 17/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 58.000 phương tiện trên tổng số hơn 285.000 người lao động biết đường đi của bão số 5.
Ông Luận cho biết thêm, hiện vẫn còn 511 tàu đánh bắt thủy hải sản với hơn 3.700 lao động vẫn trong vùng nguy hiểm và đã được thông báo.
"Theo tốc độ của bão số 5 hiện nay thì những tàu nhỏ sẽ không di chuyển kịp vào bờ. Do đó, cơ quan chuyên môn đang khuyến cáo các tàu này khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm", ông Luận thông tin.
Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều thông tin thêm, ngoài số tàu cá trên vẫn còn hơn 100 tàu vận tải đang ở vùng nguy hiểm.
Về kế hoạch sơ tán dân, ông Luận cho biết: Theo kế hoạch, các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán hơn 1 triệu người với kịch bản bão cấp 10-11. Hiện các tỉnh đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo diễn biến tình hình thực tế của bão.
"Tỉnh Thừa thiên Huế dự kiến cho học sinh nghỉ học từ sáng 18/9, các địa phương khác chưa có kế hoạch cụ thể", ông Luận nói.
Đối với hồ chứa thủy điện và thủy lợi, ông Luận thông tin: Các hồ thủy điện từ Thanh Hóa đến Quảng Nam (37 hồ) hiện mực nước của hồ ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết đang vận hành bình thường.
Hiện có 58 hồ hư hỏng không tích nước; 56 hồ đang thi công. Do đó, cần đặc biệt lưu ý với những hồ chứa thủy lợi này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Bộ đội biên phòng, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với các địa phương thông báo, đôn đốc đối với những tàu thuyền còn đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm của bão phải khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bộ trưởng lưu ý, bão số 5 được dự báo vẫn giữ cấp độ mạnh khi vào bờ, do đó, các cơ quan chuyên môn cần đôn đốc các địa phương lưu ý tới hoạt động du lịch ở ven bờ và trên các đảo.
"Dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, do đó, vài ngày trở lại đây đã có hiện tượng người dân di du lịch ở khu vực này. Do đó, các tỉnh cần lưu ý tới nội dung này, tránh thiệt hại khi bão đổ bộ", ông Cường lưu ý.
Đối với vấn đề cấm biển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các tỉnh, thành phố căn cứ vào diễn biến thực tế của bão và địa phương mà thực hiện cấm biển cho phù hợp...
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý tới vấn đề an toàn hồ chứa thủy điện và thủy lợi; diện tích lúa đang trong giai đoạn thu hoạch ở khu vực ảnh hưởng của bão; chú ý đề phòng vấn đề sạt lở ở vùng núi và ngập úng ở khu vực thấp trũng;...