Bão số 5 suy yếu thành áp thấp, bão số 6 cận kề
(Dân trí) - Chiều nay (30/9) sau khi đi vào bờ biển giữa Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới... Theo thống kê sơ bộ, tâm bão Quảng Ninh có 300 ngôi nhà bị tốc mái, hơn chục tàu thuyền và xà lan bị chìm.
Theo thông báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 17h chiều nay (30/9), tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp rồi tan dần.
Bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thêm. (Ảnh: NCHMF)
Tính từ 19h/29/9 đến 13h/30/9, các tỉnh Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 30 - 80mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Cửa Ông 124mm, Cô Tô 120mm, Quảng Hà 107mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 103mm; Hương Khê (Hà Tĩnh) 103mm; Tuyên Hóa 110mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 176mm...
Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, cơn bão số 5 đã không gây nên hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn TP Hải Phòng, ngoại trừ một số cây xanh bị đổ và 1 số công trình nhỏ bị hư hại.
Ông Thoại cho biết thêm, con số cụ thể về thiệt hại sau cơn bão số 5 gây ra đối với Hải Phòng đang được cơ quan chức năng liên quan thống kê cụ thể. Riêng về thông tin chiếc tàu chở hàng có trọng tải 1.000 tấn, trên tàu có 6 người bị gặp nạn trong bão tại khu vực giáp ranh giữa vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh đã được lực lượng chức năng giải cứu.
Theo đó, ngay khi tiếp nhận chiếc tàu gặp nạn, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải khu vực I đã cử ngay chiếc tàu 411 ra ứng cứu chiếc tàu gặp nạn tại địa điểm nói trên. Hiện chiếc Tàu chở hàng trọng tải lớn đã vượt qua nguy hiểm, trở lại hoạt động bình thường trên vùng biển Hải Phòng.
Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, đến gần 17 giờ cùng ngày trên vùng biển Quảng Ninh có gió mạnh cấp 11, 12 trời mưa to.
Tại khu vực cảng vụ xã Thắng Lợi - huyện Vân Đồn sóng làm đứt neo chìm 01 xà lan, hư hỏng 04 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo Đồn BP 24 phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương huy động phương tiện của nhân dân cứu nạn kịp thời nên không có thiệt hại về người.
Tại khu vực xã Đồng Tiến - huyện Cô Tô gió bão làm tốc mái 32 nhà, chìm 05 tàu. Đáng chú ý là trong mưa bão gió giật lên đến cấp 12, Đồn BP 16 phối hợp với Chính quyền địa phương cứu hộ được 3 chiếc tàu, kịp thời sơ cứu 7 người trên tàu đưa đến nơi tránh bão an toàn. 1 chiếc tàu đã bị đắm tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô nhưng không có thiệt hại về người.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Huy Hậu - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban PCLB tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến 18 giờ cùng ngày, bão số 5 đã chính thức suy yếu. Con số thiệt hại tính đến thời điểm này là khoảng 50 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh đang gấp rút thực hiện phối hợp các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống sau bão, đề phòng nguy cơ xẩy ra lũ lớn trên địa bàn như các năm trước.
Theo thống kê thiệt hại ban đầu từ Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, bão số 5 tuy không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh này, nhưng đã làm sạt lở một số hệ thống đê, kè, cống như: Kè Tân Thành I và III của huyện Vũ Thư; kè Hà My, đê biển số 8 của huyện Thái Thụy; đê biển số 5, số 6 của huyện Tiền Hải.
Về sản suất nông nghiệp, mưa bão đã làm 10.000 ha lúa chín bị rụng đến 15%; 40.000 ha lúa bị đổ, giảm năng suất; khoảng 9.000 ha cây màu và gần 1.000 ha cây ăn quả bị hư hại.
Ngoài ra, mưa bão còn làm thiệt hại 1.900 ha nuôi ngao cùng với trên 3.500 ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê của 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại do mưa bão trên toàn tỉnh lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Để ứng phó với cơn bão số 5, toàn tỉnh Thái Bình đã di dời hơn 3.000 dân ở 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy.
Tại Ninh Bình, vùng biển huyện Kim Sơn được xem là trọng điểm với trên 15 km đê biển đã được tổ chức ứng phó tốt nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão.
Theo báo cáo từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụ bão TƯ, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã tiến hành sơ tán hơn 24.000 dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, Quảng Ninh đã di dời được 205 người; Hải Phòng di dời được 12.524 người; Thái Bình di dời được 4.538 người; Nam Định di dời được 7.000 người.
Khoảng chiều tối và đêm 1/10, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông. Đến 16h ngày 2/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp14, cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều mai (1/10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.