Bão số 11 được dự báo đổ bộ vào Thanh Hóa - Quảng Trị
(Dân trí) - Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, có tới 100 phương án được đưa ra về đường đi của cơn bão số 11, tuy nhiên, khả năng nhiều nhất bão sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Trị.
Chiều 14/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp để ứng phó với bão số 11. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông đều nhận định cơn bão số 11 tiếp tục đi lên phía Bắc, khả năng cao đổ bộ vào khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Về cường độ, các trung tâm nói trên đều cho rằng, bão số 11 sẽ mạnh nhất khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, ở cấp 11-12; nhưng khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão số 11 sẽ giảm dần. Các trung tâm này đều nhận định 2-3 ngày nữa, bão số 11 sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc trung Bộ và Trung Trung Bộ.
"Quốc tế là như thế, còn theo dự báo của chúng tôi có khoảng 100 phương án về đường đi của bão số 11. Nhưng khả năng cao bão đi theo hướng Tây Tây Bắc, sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và dịch chuyển một chút phía Nam rồi suy yếu dần" - ông Cường phân tích.
Cũng theo ông Cường, lúc 13h ngày 14/10 vị trí bão đang cách đảo Hải Nam 750km, mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Ông Cường nhận định, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất trước khi vào quần đảo Hoàng Sa, đạt cấp 12-16; khi vào đảo Hải Nam ở cường độ 12-13; khi vào Vịnh Bắc Bộ bão giảm xuống ở cấp 8-9.
Mặc dù thời điểm này, chưa xác định khu vực đổ bộ của bão số 11 khi vào đất liền, nhưng theo ông Cường, nhiều khả năng bão số 11 sẽ đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Trị, ở cường độ cấp 7, giật cấp 9.
Tại cuộc họp trên, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 13h ngày 14/10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.438 tàu, thuyền/298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể:
Hoạt động ở khu vực từ 14-21 độ Vĩ Bắc, 112 độ Kinh Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa): 68 tàu/ 520 lao động; Hoạt động ở các vùng biển khác và neo đậu tại các bến: 74.370 tàu/298.232 người.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị tinh thần cao nhất đối phó với bão số 11. Bão số 11 được hình thành trên dạng hình thời tiết rất đặc biệt, trong bối cảnh nước ta vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề đợt mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích còn chưa xong.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị cơ quan khí tượng thủy văn cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến cơn bão số 11 để đưa ra các bản tin cập nhật thường xuyên hơn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cần duy trì trực thường xuyên, liên tục đôn đốc các địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó. Liên lạc với các tỉnh ven biển phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tàu thuyền còn hoạt động trên biển.
"Căn cứ vào bản tin gần nhất để thông báo cho các địa phương nắm được tình hình rồi mới lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Trọng tâm công tác ứng phó là ở các đới bờ các tỉnh miền Trung; mưa lớn, trung bình đều phải chuẩn bị cao độ. Ngoài ra, tập trung vào việc khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn những người còn mất tích" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa Bộ trưởng Cường lưu ý, bão số 11 được dự báo vào khu vực Bắc miền Trung, khu vực này hầu hết các hồ chứa đều đầy nước; đất đá đã "ngậm" đủ nước, chỉ cần một lượng mưa khoảng 100mm là rất nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên. Đến 13h ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (15/10) tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) phía Bắc từ vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13h ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và giông, trong cơn giông khả năng có gió giật cấp 7-8.
Nguyễn Dương