Bảo mẫu hành hạ trẻ: Phẫn nộ rồi... để đó!?

(Dân trí) – Không chỉ lần đầu chúng ta phẫn nộ bởi hành vi hành hạ trẻ em của bảo mẫu ở các điểm giữ trẻ. Những ngày qua, sự phẫn nộ lên đến cùng cực, ai cũng không tin nổi, không hiểu nổi nhưng sau sự bức bối đó, ai đó đã làm gì?

Ai ai cũng bức xúc

Sự việc bảo mẫu tại điểm giữ trẻ Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM) bạo hành trẻ em gây nên sự phẫn nộ trong dư luận. Khắp nơi tràn lên làn sóng phẫn nộ từ những người quản lý, cho đến từng bà mẹ, ông bố hay đến các bạn trẻ cũng ào ào thể hiện sự bức bối thông qua mạng xã hội.

Nhưng đằng sau sự phẫn nộ đó, kết quả là gì?

Khi sự việc xảy ra, chúng tôi liên hệ với nhiều cơ quan chức năng liên quan như UBND, ngành giáo dục, công an... đến đâu cũng nghe họ chia sẻ tâm trạng phẫn nộ, uất ức, không tin nổi và không chấp nhận được.

Bảo mẫu hành hạ trẻ:   Phẫn nộ rồi... để đó!?
Đã nhiều vụ bạo hành trẻ em tại các điểm giữ trẻ tại TPHCM được phanh phui nhưng “nói hoài vẫn vậy” (Trong ảnh: Bé Lê Tuấn Khang (19 tháng tuổi) – một trong những cháu bé bị bảo mẫu tại điểm giữ trẻ Phương Anh bạo hành).

Đây không phải là lần đầu tiên họ chia sẻ cảm xúc này. Mới cách đây hơn một tháng, cũng tại TPHCM, cháu bé Đỗ Nhật Long (18 tháng tuổi) bị người giữ trẻ Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi) đánh đập đến chết với hàng loạt thương tích: đầu, mặt cổ, ngực bị tụ máu dưới da, màng sụn, thanh quản bị sưng, khoang màng phổi có máu, dập phổi, bầm túi máu vùng đáy tim, vỡ tiểu nhĩ, ổ bụng có máu tụ quanh gan, rách gan...

Chưa kể trước đó đã quá nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành từ các nhóm trẻ gia đình đau lòng đã xảy ra. Vụ việc tại điểm giữa trẻ Phương Anh chỉ như một giọt nước thêm trong chậu nước đã tràn từ lâu.

Nói hoài cũng vậy

Đầu tư xây dựng trường mầm non, đảm bảo chỗ cho trẻ là giải pháp lãnh đạo nào cũng phát biểu. Nhưng bao nhiêu năm qua, các khu công nghiệp vẫn “trắng” trường mầm non. Công nhân, người lao động nghèo vẫn phải gửi con ở những nhóm trẻ đầy nguy cơ.

Bạn đọc có thông tin, hình ảnh, video về các vụ bạo hành trẻ em xin mời cộng tác với Dân trí theo địa chỉ dantri@dantri.com.vn, xahoi@dantri.com.vn hoặc gọi ngay về đường dây nóng 0973567567.

Các nhóm trẻ sẽ còn tồn tại khi còn thiếu trường thiếu lớp. Hiện TPHCM có hơn 1.300 nhóm trẻ gia đình được cấp phép, chưa kể đến các nhóm trẻ không phép hoạt động. Trong khi trách nhiệm của ngành giáo dục đối với những nhóm trẻ chỉ hỗ trợ về chuyên môn. Địa phương mới là nơi cấp phép lại quản không xuể nên tình trạng nhóm trẻ không phép vẫn ngang nhiên hoạt động?

Khi sự việc xảy ra, công việc của họ vẫn là báo cáo lên cấp trên và xử lý những người trực tiếp sai phạm theo tinh thần “xử lý tới nơi”. Trái ngược với sự phẫn nộ rất lớn, giải pháp làm sao để không xảy ra vụ việc tương tự vẫn tiếp tục bỏ ngỏ, không được đề cập do “đụng đâu cũng khó”.

Điều này đồng nghĩa với việc rồi đây chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những sự việc đau lòng.

Con công nhân học tại Trường mầm non tư thục Mặt Trời Nhỏ, Q. Bình Tân, TPHCM.
Con công nhân học tại Trường mầm non tư thục ở Q. Bình Tân, TPHCM.

Đáng thương nhất và cũng là những người phẫn nộ nhiều nhất chính là những phụ huynh có con bị bạo hành. Họ không có lỗi khi vì điều kiện kinh tế, không có lựa chọn nào khác phải “bấm bụng” gửi con ở những nơi đầy nguy cơ.

Nhưng đối với những đứa con, không thể phủ nhận họ là người có trách nhiệm hàng đầu. Hầu hết khi sự việc bạo hành trẻ bị phanh phui, phụ huynh đều cho biết, con mình đã có những dấu hiệu bất ổn như ăn kém, sợ hãi, gặp ác mộng... – biểu hiện tâm lý rất rõ ràng do bị bạo hành.

Thậm chí, sự việc ở điểm giữ trẻ Phương Anh, nhiều đứa trẻ đã khóc lóc, van xin, bám cố lấy bố mẹ mỗi khi phải đến lớp. Nhưng họ đã làm gì? Họ không để ý đến tâm trạng, cảm xúc, nỗi sợ hãi của con.

Biết rằng họ không có nhiều lựa chọn. Nhưng chẳng lẽ vì vậy để rồi chấp nhận mọi hiểm nguy đối với con mình mà không làm gì hết?

Tôi nhớ đến câu chuyện một chuyên gia giáo dục kể về em học sinh nhút nhát thường xuyên bị bạn dùng chai nước đánh vào mặt. Mỗi lần như vậy, cậu ta chịu bị đánh rồi ôm mặt khóc đầy uất ức. Đến một ngày một giáo viên biết chuyện, cô chưa trách cậu bé đánh bạn mà trách cậu học trò bị đánh trước.

Cô giáo nói với cậu học trò, em phải làm gì để không bị đánh đi chứ?

Em học trò đáp: “Em sẽ giơ tay ra đỡ để bạn không đánh trúng mặt”. Vậy thì em hãy giơ tay đi; “Khi thấy bạn em sẽ bỏ chạy đến đám đông”. Vậy thì em hãy chạy đi. “Em sẽ lên báo với cô giáo”. Vậy em hãy lên đi. “Em sẽ nói với bạn: mày còn đánh tao, tao sẽ mách bố tao và mách bố mày”. Vậy em hãy làm đi.

Nếu em không làm gì hết thì không thể tránh được tình cảnh “ngồi uất ức để bạn đánh vào mặt”.

Điều này dường như đang rất đúng với những sự việc trẻ bị bạo hành tại các nhóm trẻ bị phanh phui. Chúng ta ai cũng phẫn nộ nhưng chưa ai làm gì hết, ngay cả đến việc đưa ra những giải pháp như cậu bé bị đánh kia.

Bởi khi sự phẫn nộ không đi với giải pháp, không đi đôi với hành động, cùng với pháp luật chưa đủ sức răn đe thì dư luận dần cũng sẽ vô cảm với cái xấu, cái sai phạm, cái phi đạo đức. Và đó là lúc cái xấu, cái phi đạo đức được nuôi dưỡng.

Để tránh những vụ việc đau lòng có thể còn diễn ra, đã đến lúc sự phẫn nộ phải đi đôi với hành động. Các cấp lãnh đạo phải quyết liệt trong việc xây dựng trường mầm non hơn xây các trung tâm thương mại, cao ốc cũng như quy hoạch đô thị sao cho hợp lý nhất; tăng cường đi cùng việc gắn trách nhiệm quản lý đối với hoạt động các nhóm trẻ; pháp luật phải xử lý thật nghiêm đối với các sai phạm.

Và phụ huynh xin đừng phó thác hoàn toàn con mình vào tay người khác.

Hoài Nam