“Bạo lực tình dục” được đưa vào Luật
(Dân trí) - “Báo cáo của một số cơ sở y tế cho thấy, một tỷ lệ khá lớn bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình và cứ khoảng 2-3 ngày có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình”. Những thông tin không lấy gì làm vui này khiến phiên thảo luận Luật phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Bạo lực tình dục - hơn cả đánh đập, chửi mắng
Dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định cụ thể các hành vi bị coi là bạo lực gia đình. Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc quy định cụ thể là một thông điệp rất quan trọng gửi tới xã hội và cộng đồng rằng những hành vi hiện hành mà nhiều người coi đó là quyền của họ được “dạy bảo” hay là chuyện nội bộ gia đình sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong số các hành vi bạo lực gia đình dự thảo Luật quy định cả hành vi bạo lực về tình dục (cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục), bởi kết quả khảo sát thực tế cho thấy người dân có nhiều bức xúc về vấn đề này hơn cả chuyện đánh đập, chửi mắng và nó gây tổn thương về sức khoẻ, tình cảm vợ, chồng.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại Quố hội, cũng còn ý kiến khác về vấn đề này. Đại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái) không đồng tình và đề nghị bỏ quy định về “hành vi cưỡng bức quan hệ tình dục và có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục”.
Vì theo đại biểu Bình, trên thực tế những hành vi này có xảy ra, nhưng lại được coi là chuyện riêng và là điều tế nhị trong mỗi gia đình. Hơn nữa, cũng rất khó thu thập chứng cứ để xác định một người có hành vi bạo lực tình dục trong gia đình.
“Theo tôi, việc đưa hành vi bạo lực tình dục vào điều chỉnh trong luật là hết sức cần thiết, tạo nên làn sóng mới mang tính đột phá vào tư tưởng của những nạn nhân bị hành vi bạo lực gia đình”, đại biểu Lương Thị Hoa (Thanh Hóa) lại hoàn toàn ủng hộ việc đưa hành vi này vào luật.
Bà Hoa cho rằng, hành vi bạo lực tình dục đã xuất hiện từ rất lâu và kết quả khảo sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội cho thấy có tới 30% các cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục là con số rất đáng phải suy nghĩ.
Cũng theo bà Hoa, việc đưa ra qui định này cũng thể hiện tính nhân văn của luật
Đại biểu Lương Thị Hoa còn đề xuất đưa thêm 2 hành vi bạo lực gia đình mà theo bà là đang “rất phổ biến và gây nhiều bức xúc trong nhân dân” vào luật.
Đó là hành vi đe dọa, vì nhiều trường hợp do bị đe dọa đã bị khủng hoảng tinh thần, có người vì quá lo lắng đã tìm đến cái chết. Hành vi thứ hai là từ chối chăm sóc người thân. Nhiều trường hợp con cháu không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà, hắt hủi, ngược đãi, đuổi ra khỏi nhà chính người thân của mình.
“Đây là hành động đi ngược với truyền thống, đạo lý của người Việt Nam, đang bị xã hội lên án một cách nặng nề. Do đó, rất cần đưa vào luật để điều chỉnh”, bà Hoa bức xúc lên án.
Cách ly, giáo dục tại cộng đồng - không khả thi
Về biện pháp cấm tiếp xúc để cách ly người gây bạo lực với nạn nhân qui định trong Dự thảo Luật, theo Ủy ban các vấn đề xã hội, qui định này để tránh các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra với người bị bạo hành.
Dự thảo Luật quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền buộc người có hành vi bạo lực ra khỏi nơi ở chung với nạn nhân, cấm tiếp xúc nếu nạn nhân có yêu cầu trong thời gian 3 ngày, Toà án khi đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân và người gây bạo lực gia đình có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc tối đa là 4 tháng...
Tuy nhiên, nghi ngờ tính khả thi của qui định này, đại biểu Nguyễn Xuân Thiết (Vĩnh Phúc) nêu lên những bất cập của qui định về cách ly nhất là trong trường hợp người đó là chủ hộ, chủ sở hữu của ngôi nhà đó, chưa kể biện pháp này cũng làm căng thẳng và nặng nề thêm về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
“Tôi cho là biện pháp này không hay. Cách ly người đó ở đâu? Đưa đi chỗ nào? Ai đưa? Khó lắm. Quy định như thế này là không khả thi”, ông Thiết nói.
Ngay cả các hình thức giáo dục tại cộng đồng, tại xã phường ông Thiết cũng cho là không khả thi. “Án dân sự hiện nay kết quả thi hành mới được trên dưới 50% hay nói một cách nghiêm túc cũng chỉ được khoảng 50%, còn 50% nữa không có điều kiện thi hành hoặc không thi hành được.
Bây giờ chúng ta lại nghĩ đến chuyện giáo dục tại xã phường đối với những hành vi bạo lực gia đình ở mức xử phạt hành chính thì tôi thấy không khả thi”, ông Thiết đưa ra dẫn chứng.
Đức Hòa