1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Bảo hiểm xã hội, phí công đoàn Việt Nam ở mức cao nhất thế giới”

(Dân trí) - Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Chính phủ cần giãn lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội với lưu ý, mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới và khu vực. Đồng thời kiến nghị cần thúc đẩy mạnh hơn việc cải cách môi trường kinh doanh.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ diễn ra hôm nay (1/12/2015), ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đồng Chủ tịch liên minh VBF cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về tăng lương tối thiểu ở mức 12,4% cho năm 2016.

Theo nhận định của ông Lộc, đây là mức tăng cao so với chỉ số lạm phát, đà tăng của năng suất lao động và sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho rằng, mức tăng lương tối thiểu 12,4% năm 2016 là cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp
Chủ tịch VCCI cho rằng, mức tăng lương tối thiểu 12,4% năm 2016 là cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp

Để không gây đột biến trong chi phí sản xuất, duy trì năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong hội nhập và cũng là các ngành giữ vai trò cứu cánh cho hàng chục triệu lao động thiếu việc làm ở nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa (như dệt may, da giày, chế biến nông sản…), ông Lộc đề nghị Chính phủ cho giãn lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch VCCI đồng thời lưu ý, mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới và khu vực.

Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, theo ông Lộc, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn.

Lãnh đạo VCCI đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay, tuy rất khó khăn, nhưng đang là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những năm tới.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, về thời gian làm thêm theo quy định của luật lao động (không quá 4 giờ/tuần, không quá 200 giờ/năm và với một số ngành nghề đặc thù không quá 300 giờ) cũng không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh và cao hơn cả quy định ở một số nước phát triển.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.

Ông Lộc cho rằng, đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Do vậy, cần thiết phải có biện pháp khắc phục việc này.

Cũng liên quan đến môi trường kinh doanh, đồng Chủ tịch VBF nhận định, một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn.

Theo đó, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.

Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm