Bao giờ thay mới tàu cánh ngầm?
Sau thảm họa “Dìn Ký”, công luận đang báo động về tàu du lịch, tàu nhà hàng... Cũng cần nhắc lại một nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mỗi năm có đến 800.000 hành khách đi tàu cánh ngầm.
Mỗi năm có đến 800.000 lượt hành khách đi tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Mỗi ngày tối thiểu trên 20 chuyến với 13 chiếc tàu được cấp phép hoạt động từ thập niên 1990.
Chiều 25-11-2009, trên sông Sài Gòn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy làm hai tàu cánh ngầm hư hỏng, khiến tám hành khách bị thương - Ảnh: D.T.LIÊM |
Mới hôm 8/5, một đồng nghiệp (báo Lao Động) đã trích đăng báo động của chính một cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về tàu cánh ngầm cùng các tai họa nếu như xảy ra. “Hiện tàu cánh ngầm của các hãng trên đều đã sử dụng nhiều năm, trong đó có tàu đã sử dụng trên 20 năm, thậm chí lâu hơn” - ông Ngô Đặng Quá Hải, phó phòng quản lý giao thông thủy Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết.
Ông Hải nói thêm dù các hãng tàu thường xuyên duy tu, sửa chữa nhưng việc quy định niên hạn đối với tàu cánh ngầm là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách. Từ tháng 1/2011, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần quy định niên hạn sử dụng đối với tàu cánh ngầm nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Đồng nghiệp báo Lao Động chua chát nhận định: “Trên thực tế, kể từ khi chuyến tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đầu tiên xuất bến đến nay đã 18 năm nhưng chưa có một thân tàu nào rời bỏ hàng ngũ”.
Tiếc thay, hồi chuông báo động này không phải là đầu tiên. Cách đây bốn năm, một đồng nghiệp khác (VietNamNet 17-8-2007) cũng đã “la làng”: “Một nguồn tin (xin giấu tên) của VietNamNet khẳng định 100% tàu cao tốc đang hoạt động tại VN là tàu cũ, có tuổi thọ trên 20 năm do Nga, Ukraine sản xuất. Do nhu cầu về vận tải hành khách trên đường sông nên phần lớn các tàu cũ khi nhập về đều được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận”.