Báo Giao thông: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp đã gây hậu quả...
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí trưa nay 29/3, ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng Biên tập Báo Giao thông khẳng định, tờ báo không quan tâm tới động thái mới của phía Công ty Thành Bưởi mà yêu cầu TAND quận 5 phải trả lời rõ khiếu nại của báo về việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với tờ báo là đúng hay sai?
Trước đó, Công ty Thành Bưởi đã khởi kiện báo Giao thông ra TAND Quận 5, TPHCM vì báo này có bài viết phản ánh về hoạt động "xe dù, bến cóc" của công ty này. Trong đơn khởi kiện, Thành Bưởi cho rằng báo Giao Thông đăng tải những bài báo có nội dung liên quan đến công ty không đúng sự thật, xâm phạm quyền lợi của mình. Do đó, Thành Bưởi yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín.
Trong quá trình tòa đang giải quyết vụ kiện, báo Giao thông tiếp tục đăng bài về hoạt động vận tải hành khách nhưng né các loại thuế, phí của Thành Bưởi. Công ty này liền có đơn gửi TAND Quận 5 đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định" đối với báo Giao thông.
Từ đơn yêu cầu trên của Thành Bưởi, ngày 23/3, bà Đỗ Thị Ngọc Bính, thẩm phán TAND Quận 5 đã ra quyết định số 72/2017/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định". Với quyết định có hiệu lực thi hành ngay này, TAND Quận 5 buộc báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề "xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước" trong quá trình giải quyết vụ án. Quyết định này sẽ chỉ hết hiệu lực cho đến khi Toà giải quyết xong vụ án.
Đây là lần đầu tiên tòa án ra quyết định khẩn cấp tạm thời cấm một cơ quan báo chí đăng bài liên quan đến những nội dung đang bị kiện để chờ kết quả xét xử của tòa. Đây được đánh giá là sự kiện pháp lý chưa có tiền lệ.
Trả lời phóng viên về động thái của Công ty Thành Bưởi, rút đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông, Tổng Biên tập báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên nói: “Hiện giờ chúng tôi không quan tâm tới việc Công ty Thành Bưởi đã có đơn gửi TAND quận 5 xin rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với Báo Giao thông nữa. Điều chúng tôi yêu cầu là TAND quận 5 phải trả lời rõ khiếu nại của Báo Giao thông về việc ban hành Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như vậy là đúng hay sai?”.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên, khi Công ty Thành Bưởi có đơn yêu cầu thì về nguyên tắc, TAND quận 5 sẽ rút lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với Báo Giao thông. Tuy nhiên hiện nay dư luận đang đặt ra những câu hỏi liên quan đến hệ quả pháp lý của chuyện này như thế nào.
“Nguyên đơn là Công ty Thành Bưởi có thể yêu cầu toà án áp dụng biện pháp đó nhưng toà án có thực hiện không thì phải cân nhắc trên các căn cứ pháp lý và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đây là quyết định ban hành có hiệu lực ngay, gây ra hậu quả pháp lý rồi, không thể nói rút hay không rút đơn giản như thế được. Báo Giao thông đã khiếu nại quyết định của TAND quận 5 rồi và hiện giờ chúng tôi đang chờ trả lời của phía toà”- ông Kiên nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo Giao thông cho rằng câu chuyện này có thể trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp của tất cả các cơ quan báo chí về sau. Các vụ kiện dân sự giữa doanh nghiệp với báo chí là điều hết sức bình thường trong một xã hội văn minh nhưng việc toà án ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời buộc một tờ báo không được đăng tải trên báo mạng, báo giấy các bài báo mới liên quan đến doanh nghiệp trong quá trình giải quyết vụ án thì cần phải được làm rõ ràng, giải quyết dứt khoát.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính và UBND TPHCM xem xét giải quyết thông tin phản ánh trên Báo Giao thông đối với hoạt động của Công ty Thành Bưởi.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông ký, nêu rõ, trong những năm gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2015 trở lại đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cũng như Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đã rất quan tâm chỉ đạo để tăng cường công tác quản lý vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung, trong đó đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát để xử lý, ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng chạy tuyến cố định (xe trá hình tuyến cố định).
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp trên thực tế tại nhiều địa phương và được các cơ quan truyền thông phản ánh; đặc biệt trên Báo Giao thông điện tử những ngày gần đây đã có các bài viết: “Lật tẩy xe khách trá hình, né thuế của Thành Bưởi” đăng ngày 20/3/2017; “Xe khách Thành Bưởi né nhiều loại phí, thuế mỗi ngày (Kỳ 2)” đăng ngày 21/3/2017.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải và xử lý triệt để hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, góp phần giữ nghiêm kỷ cương trong lĩnh vực vận tải, lập lại trật tự giao thông và tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh bình đẳng trước pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với Cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách du lịch và hợp đồng bằng xe ô tô, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm; trong đó tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải khu vực xung quanh các bến xe, nhà ga, địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc” hoạt động, để xử nghiêm các vi phạm theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an liên quan xác minh, làm rõ vụ việc mà Báo Giao thông phản ánh nêu trên, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra, làm rõ vụ việc mà Báo Giao thông phản ánh về việc “né Thuế của Thành Bưởi”; “Xe khách Thành Bưởi né nhiều loại phí, thuế mỗi ngày”, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.
Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ có ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ
Trước đó, ngày 28/3, Công ty TNHH Thành Bưởi đã có văn bản số 2803-01/TC-TB gửi đến các cơ quan báo chí, truyền thông. Trong văn bản này, Thành Bưởi cho biết: "Theo đề nghị của Luật sư Trần Vũ Hải, để tỏ thiện chí giải quyết và tránh làm phức tạp vụ việc, chúng tôi đã quyết định rút đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông".
Ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi cho biết: "Việc rút đơn này dựa trên cơ sở Thành Bưởi đã gửi các đơn yêu cầu báo Giao thông đăng ý kiến phản hồi của Công ty TNHH Thành Bưởi và theo Điều 43 Luật Báo chí 2016, báo Giao thông sẽ có nghĩa vụ phải đăng các ý kiến phản hồi đó, cho dù không nhất trí với ý kiến của chúng tôi. Nếu báo Giao thông thực hiện điều này như đúng Luật Báo chí đã quy định thì chúng tôi thấy rằng toà không cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời".
Trở lại sự việc, ngay khi TAND Quận 5 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, báo Giao thông đã gửi khiếu nại gửi Chánh án TAND quận 5. Lãnh đạo báo Giao thông cho rằng, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa là vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí.
Trước vụ việc trên, bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM cho biết đã yêu cầu TAND Quận 5 báo cáo và chuyển hồ sơ vụ kiện lên để xem xét một cách toàn diện. Mặc dù thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện thuộc TAND Quận 5 nhưng TAND TPHCM sẽ có ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ về việc áp dụng biện pháp này của TAND Quận 5.
Thế Kha - Công Quang