1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bão dữ “quần nát” miền Trung

(Dân trí) - Những cơn cuồng phong mạnh khủng khiếp kèm mưa lớn xối xả đã đánh tơi tả nhà cửa, ruộng đồng khắp các tỉnh miền Trung. Điện mất, giao thông tê liệt, hàng không - đường sắt hủy chuyến hàng loạt... Miền Trung đang chìm trong mênh mông nước và thấp thỏm “chờ” lũ sau bão.

* Tiếp tục cập nhật...
 

Cơn bão số 9 năm nay không có sức tàn phá dữ dội như bão Xangsane năm 2006 nhưng diễn biến chậm và hết sức phức tạp. Khả năng lũ trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng sau bão sẽ lên cao  lịch sử.

Vào lúc 14h chiều 29/9, bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi. Nơi hứng chịu ảnh hưởng bão đầu tiên từ đêm 28/9 là huyện đảo Lý Sơn. Hơn 80% nhà dân ở huyện đảo Lý Sơn bị tốc mái hoàn toàn. Toàn bộ dân cư đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm trước đó.

 

Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này có 6 nhà kiên cố và hơn 1.000 nhà tạm bị sập hoàn toàn, 523 ngôi nhà bị bão tốc mái, 3 tàu thuyền bị đánh chìm; đặc biệt 1 tàu Long Hải và 1 xà lan ở khu vực Dung Quất bị sóng biển đánh chìm.

 

Thông tin ban đầu, tỉnh đã có 2 người chết và 1 người mất tích. Nạn nhân là ông La Kỹ, trú tại thôn Phước Thuận, xã Đức Phú, huyện Mộ Đức và 1 nạn nhân khác ở huyện Mộ Đức bị thiệt mạng do bị điện giật. Một người mất tích là em Hạ Thị Trang, 10 tuổi, ở huyện Sơn Hà bị lũ cuốn trôi.

 

Do bão cường độ cao, lũ trên sông Trà Khúc tính đến thời điểm 17h ngày 29/9 đã vượt báo động ba 0,8m. Hàng ngàn nhà dân khu vực cầu Trà Bồng chìm trong biển nước.
 
Bão dữ “quần nát” miền Trung - 1

 

Mưa to kéo dài đã khiến nước sông Trà Khúc, Trà Bồng và Sông Vệ lên rất nhanh. Lúc 12 giờ trưa, mực nước trên sông Trà Bồng, Trà Khúc và Sông Vệ đã lên cao bất ngờ ngoài dự đoán khiến người dân bị động, vừa phải đối phó với bão, vừa đối phó với mưa lũ.

 

Hiện nhiều xã ven sông bị ngập chìm trong nước. Một số vùng đang bị cô lập và bị sạt lở bờ sông đã cuốn trôi nhiều cây cối, hoa màu. Ngay trung tâm TP Quảng Ngãi nước dâng cao đột ngột đã làm hàng trăm hộ dân bị nước tràn vào nhà.

 

Tại xã Bình Chánh, Bình Dương (huyện Bình Sơn) đã có khoảng 2.000 hộ dân bị ngập chìm trong nước, có thôn bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ (huyện Bình Sơn) có 500 hộ đang bị nước lũ sông Trà Bồng dâng cao chia cắt, cô lập.

 

Ngay chiều nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đoàn công tác và Ban chỉ huy PCLB&TKCN các cấp khẩn trương đến ngay các vùng bão đi qua và những nơi bị ngập nước để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Trước mắt giúp nhân dân vùng bị thiệt hại do lũ gây ra sớm ổn định sinh hoạt cuộc sống; đồng thời có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và tài sản của nhà nước, nhân dân trên địa bàn…  
 
Bão dữ “quần nát” miền Trung - 2
Cây cổ thụ đổ trước chợ Đông Ba, TP Huế (Ảnh: Viết Long)
 
Ngay từ chiều tối 28/9, cả thành phố Huế oằn mình đón nhận những cơn gió mạnh khủng khiếp cấp 12-13. Gió thổi bật nhiều gốc cây cổ thụ trên nhiều tuyến đường…
 
Rất nhiều pano, bảng che chắn công trình, mái tôn bị tốc. Nhiều cột điện gãy đôi cùng với cây đổ kéo dây điện đứt nằm vương vãi khắp lề đường và cả lòng đường đầy nước.
 
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có 4 người chết do chặt cây chống bão, sập hố và nước cuốn trôi. 72 nhà bị sập, 467 nhà bị tốc mái. Con số này đang tiếp tục tăng lên từng giờ vì hiện tại, gió rất to và mưa rất lớn. Toàn tỉnh đã bị cắt điện từ 9h sáng. Tất cả các bưu điện, văn phòng ban phòng chống lụt bão bị hư đường truyền internet. Phóng viên các báo chỉ còn cách duy nhất là tìm… khách sạn có máy nổ để gửi bài về tòa soạn.
 
Bão dữ “quần nát” miền Trung - 3

Nước, nước, nước, bốn bề nước bao vây xứ Huế (Ảnh: Đình Dũng)
 
Tính đến 12h trưa 29-09, lượng mưa tại Thừa Thiên - Huế đã vượt quá báo động 3. Nước các hồ chứa tại Bình Điền, Truồi, Hòa Mỹ đã vượt đỉnh.
 
Hiện các khu vực bờ Bắc và Nam thành phố như Thành Nội, phố cổ Gia Hội, Bao Vinh, Trần Cao Vân, Hùng Vương, Lê Quý Đôn đã chìm trong nước. Thượng nguồn còn tiếp tục mưa lớn, nước các sông đang lên mạnh với nhiều dự đoán Huế sẽ đón nhận một cơn lũ khủng khiếp.
 
Hầu hết các tuyến đường đều bị ngập từ 0,2-0,7m. Quốc lộ 1A và 49A ngập lụt từ 0,4-0,7m, nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. 3 chuyến tàu SE7, VQ1, SE5 đang bị kẹt với hơn 800 hành khách.
 
Hiện một số mặt hàng thiết yếu như trứng, thịt, mỳ với giá cắt cổ, đắt gấp 2, gấp 3 ngày thường.  
 
Quảng Trị suốt cả ngày hôm nay hứng những đợt mưa lớn tầm tã kèm gió giật cấp 9 ở đồng bằng và giật cấp 10, trên cấp 10 vùng ven biển. Toàn tỉnh đã phải sơ tán khẩn cấp gần 40.000 dân.
 
Bão dữ “quần nát” miền Trung - 4

Người dân Quảng Trị chạy bão trong biển nước (Ảnh: Văn Được)

 

Tính đến 13h30, Quảng Trị có hơn 100 nhà dân bị tốc mái, hàng ngàn ha hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp bị mưa gió giày gãy rạp Nhiều trụ điện thoại, trụ điện lực cũng bị gió quật đổ, nhiều hệ thống điện lưới bị đứt gây mất điện cục bộ nhiều nơi.

 

Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng; giao thông đi lại bị ách tắc nhiều nơi.
 
3.000 người kẹt tàu
 
E ngại nguy hiểm bất thường khi vượt đèo Hải Vân trong bão, hàng loạt chuyến tàu đã phải hủy chuyến, gần 3.000 hành khách đang mắc kẹt tại Quảng Bình và Quảng Ngãi.
 
Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trong ngày hôm nay (29/9), đã phải huỷ 4 chuyến SE7/8 và SE5/6. Tàu từ Hà Nội - Huế vẫn chạy bình thường; tàu TN1 chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn hiện đang dừng ở Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình); tàu TN2 chạy từ Sài Gòn ra Hà Nội đến Quảng Ngãi thì dừng lại.
 
Lãnh đạo TCT Đường sắt cho biết, nhà tàu sẽ chu cấp đồ ăn, uống đối với những hành khách còn mắc kẹt. Những hành khách đã mua vé đi trong những ngày bão có thể đến ga trả lại vé và hoàn lại tiền.
 
Bão dữ “quần nát” miền Trung - 5

Các tàu SE1, SE3 đều phải dừng tại ga Đồng Hới vì không thể vượt đèo Hải Vân trong mưa bão (Ảnh: Hồng Kỹ)
 
Hàng loạt sân bay đóng cửa
 
Đến hết ngày 29/9, các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Pleiku được lệnh đóng cửa. Hàng nghìn hành khách đã mua vé đi, đến miền trung của các hãng Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vào ngày này cũng được thông báo bằng điện thoại, tin nhắn để chờ lịch trình các chuyến bay mới.

Hãng Jetstar Pacific cho biết chiều và tối qua, một chuyến bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng phải quay trở về vì điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Một chuyến bay khác từ Đà Nẵng đi TPHCM cũng bị hủy.

Sau khi thông báo về việc hủy một số chuyến bay tới miền Trung trong ngày 28 và 29/9 do ảnh hưởng của cơn bão số 9, Vietnam Airlines thông báo sẽ khôi phục các chuyến bay từ Hà Nội và Sài Gòn tới khu vực này từ 07h00 ngày 30/9.

Theo kế hoạch, lịch khai thác của Vietnam Airlines tới các sân bay tại đây được giữ nguyên như thường lệ, đồng thời các chuyến bay tăng cường sẽ bắt đầu từ trưa ngày 30/9. Dự kiến lịch bay tăng chuyến sẽ được Vietnam Airlines thực hiện trong ngày 30/9 và 1/10 nhằm hỗ trợ giải tỏa hành khách sau khi cơn bão đi qua.

Vietnam Airlines đề nghị hành khách chủ động liên hệ với các phòng vé và đại lý của Vietnam Airlines để đặt chỗ trên các chuyến bay thích hợp.

 Nhóm PV Miền Trung