1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ninh Bình:

“Báo động” vi phạm an toàn lưới điện cao áp

(Dân trí) - Hàng trăm công trình tái định cư, khu đô thị mới, nhà máy, nhà dân… trên địa bàn Ninh Bình được thi công một cách “danh chính ngôn thuận” dưới hành lang lưới điện cao áp. Đây là một trong những nguyên nhân gây hàng loạt tai nạn thương tâm từ điện.

Thực trạng đáng báo động!

Qua tìm hiểu thực tế, PV Dân trí đã phát hiện rất nhiều lưới điện có khoảng cách “an toàn” từ điểm thấp nhất của dây dẫn ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất đo được chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với quy định.

Liên tiếp trong 2 năm 2006, 2007, trên địa bàn phường Bích Đào (TP Ninh Bình) đã xảy ra nhiều vụ tai nạn điện cao áp nghiêm trọng làm 3 người chết và nhiều người khác bị thương (có những trường hợp bị bỏng rất nặng).

“Khoảng cách của đường dây điện áp 35kV chạy qua Đài tưởng niệm liệt sỹ của phường chỉ có 3,5m. Chúng tôi đã lưu ý nhà thầu về mối nguy hiểm nhưng khi thi công hai thợ thép mải làm nên vô tình thép “quật” vào đây điện làm cả hai chết tại chỗ” - ông Đào Sỹ Duyệt (Phó Chủ tịch UBND phường Bích Đào) kể lại.

“Báo động” vi phạm an toàn lưới điện cao áp - 1

Dây điện chạy qua đầu công trình Đài tưởng niệm liệt sỹ
phường Bích Đào.

Mới đây, tại huyện Gia Viễn, một thợ xây bị phóng điện khi đang thi công xây dựng nhà ở dưới lưới điện không đảm bảo khoảng cách an toàn nhưng rất may là nạn nhân này chỉ bị thương nhẹ.

Tìm hiểu ở nhiều điểm vi phạm, PV Dân trí ghi nhận tâm lý chung của người dân là: lo lắng, bức xúc vì mất an toàn điện. Anh Sơn (ở thôn Cát Thượng, Văn Phú, huyện Nho Quan) lo lắng: “Dây điện cao áp chạy ngay trên đầu. Mỗi lần đi qua cứ lo nơm nớp…”

Lo lắng của anh Sơn là thực tế tại lộ 373-E23.2, đường dây 35kV trên địa bàn xã chạy vượt qua đường cứu nạn, cứu hộ thôn Cát Thượng có độ cao dây dẫn đến mặt đường đo được là 4,2m.

Trao đổi với PV, ông Bùi Trung Công (Chủ tịch UBND phường Bích Đào) bày tỏ: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với UBND thành phố, UBND tỉnh Ninh Bình về tình trạng mất an toàn điện dẫn đến chết người nhưng đến giờ vẫn chưa có biện pháp nào được thực thi…”

Cơ quan chức năng nói gì?

Trước thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp ở Ninh Bình, để có tiếng nói 2 chiều về sự việc PV Dân trí đã đến 1 số cơ quan chức năng liên quan với mong muốn tìm được câu trả lời về các giải pháp trong thời gian tới.

Nói về nguyên nhân hiện trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn, bà Võ Thị Việt Hương (Phó phòng An toàn và Bảo hộ lao động, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình) cho biết: Việc san lấp, xây dựng các công trình như đường giao thông, khu đô thị mới, khu tái định cư, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, dân cơi nới nhà… đã vi phạm khoảng cách an toàn của đường dây”.

Bà Hương khẳng định: “Công ty tiến hành kiểm tra lưới điện định kỳ”. Tuy nhiên, khi PV nói đến các vụ tai nạn điện áp gây chết người và trách nhiệm của ngành điện thì bà Hương cho rằng: “Chúng tôi không nhận được thông báo chính thức nào về những tai nạn chết người đó. Sau này, chúng tôi chỉ nghe nói lại” (!?)

“Báo động” vi phạm an toàn lưới điện cao áp - 2
 
Khoảng cách từ nhà ở đến dây dẫn gần nhất có được 3,0m?

Phường Bích Đào là “điểm nóng” về hiện trạng mất an toàn lưới điện cao áp, tính mạng của người dân đang từng ngày, từng giờ bị đe dọa. Thế nhưng, nhiều năm qua phường cũng chỉ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo di dời lưới điện trên “văn bản, giấy tờ”?!

Ba lần đến trụ sở UBND TP Ninh Bình, dù đã đặt lịch làm việc trước mấy ngày, Chánh văn phòng UBND TP đã báo cáo Chủ tịch lịch làm việc vào chiều 22/9… Nhưng đúng hẹn đến, PV Dân trí vẫn phải “trở ra” vì Chủ tịch “đi họp đột xuất” !?

Thực tế, ngày 5/6/2007, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công văn số 163/UBND-VP3 về việc lập dự án di chuyển 2 tuyến đường dây 35kV lộ 374 và 376 đoạn qua phường Bích Đào, TP Ninh Bình nhưng, đã hơn 1 năm, hiện trạng mất an toàn lưới điện vẫn còn đó vì dự án vẫn nằm trên giấy.

"Mới đây, bà Đinh Thị Thục, Phó Chủ tịch UBND TP Ninh Bình đã có buổi làm việc về vấn đề vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp với phường Bích Đào. Tại buổi làm việc, bà Thục nói: để di chuyển được lưới điện cần phải đầu tư gần 10 tỷ đồng nên UBND TP chưa bố trí được kinh phí…” - ông Bùi Trung Công, Chủ tịch UBND phường Bích Đào cho biết.

Ý kiến chuyên gia đầu ngành

Để có nhận định khách quan và đầy đủ về tình hình, giải pháp khắc phục lưới điện mất an toàn, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Trần Đình Long (Viện sĩ Viện hàn lâm KHKT Điện quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam).

GS. TSKH Trần Đình Long nhấn mạnh: “Hành lang an toàn lưới điện đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản pháp quy của Nhà nước, của Bộ Năng lượng (Nay là Bộ Công Thương). Thực tế, quá trình đô thị hóa xây dựng các công trình công cộng, hạng mục… dẫn tới sự giao cắt, phát triển lan sang vùng có đường dây tải điện đi qua.

Trong trường hợp này, văn bản pháp quy quy định chủ công trình, dự án và đơn vị quản lý điện phải có sự bàn bạc trước khi thi công. Vì vậy, để xảy ra tai nạn điện làm chết người là do không hiểu luật hoặc cố tình vi phạm luật.

Muốn ngăn chặn được tai nạn điện thì giải pháp chủ yếu là phải tuyên truyền, phải tính toán trong quy hoạch và nâng cột cao lên để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện”.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm