TPHCM:

Báo động tình trạng xe container gây tai nạn do tài xế… ngủ gật

(Dân trí) - Liên tục trong thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn xe container xảy ra vào rạng sáng khiến người đi đường bất an. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc kìm chế tai nạn.

Xe container gây tai nạn vào rạng sáng

Hàng loạt vụ tai nạn xe container xảy ra vào rạng sáng mà nguyên nhân ban đầu tài xế khai nhận buồn ngủ. Mới đây nhất là vụ xe container lao và nhà dân khiến 10 suýt chết vào sáng 1/8, trên đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM, mà Dân trí đã đưa tin.

Hiện trường vụ xe container lao vào nhà dân rạng sáng 1/8 tại quận Phú Nhuận do tài xế buồn ngủ
Hiện trường vụ xe container lao vào nhà dân rạng sáng 1/8 tại quận Phú Nhuận do tài xế buồn ngủ

Trước đó, chỉ trong vòng 3 ngày trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 3 vụ tai nạn liên quan đến xe container vào thời điểm rạng sáng. Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 25/7, trê- xa lộ Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM, xe đầu kéo BKS 51C-111.87 kéo theo rơ-moóc lưu thông trên xa lộ Hà Nội đã tông vào dải phân cách rồi lật ngang sang phần đường xe máy. Rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ.

Khoảng 3h10’ ngày 26/7, tại ngã tư Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, xe đầu kéo BKS 61C-04971 do tài xế Trịnh Đình Duy (28 tuổi) cầm lái đã tông vào xe du lịch 60L-1773 do anh Huỳnh Xuân Sáng (43 tuổi) điều khiển, tông tiếp vào xe tải BKS 51C-193.12 do anh Nguyễn Quốc Bảo (35 tuổi) điều khiển đang dừng đèn đỏ. Tai nạn làm 3 xe hư hỏng, ông Sáng bị thương nặng.

Tình trạng container gây tai nạn vào rạng sáng đang báo động
Tình trạng container gây tai nạn vào rạng sáng đang báo động

Vu tai nạn thứ 3 xảy ra rạng sáng 27/7, trên xa lộ Hà Nội đoạn qua phường An Phú, quận 2, TPHCM. Xe container mang BKS 51C - 226.85 kéo theo rơ-moóc BKS 51R - 048.23 mất lái tông gãy biển báo và đâm vào hàng loạt dải phân cách. Chiếc xe chỉ chịu dừng lại khi gối đầu lên dải phân cách giữa đường.

Cần một chế tài đủ mạnh

Theo một cán bộ điều tra tai nạn giao thông (TNGT) công an quận Thủ Đức, những vụ TNGT lúc rạng sáng đều do tài xế ngủ gật gây ra. Cũng theo cán bộ này, việc kiểm tra nồng độ cồn hay ma túy của tài xế không khó, còn việc xác định tài xế có buồn ngủ hay không lại vô cùng khó, trừ trường hợp tài xế tự khai nhận. Theo nhận định của cảnh sát giao thông công an quận 2, đa số những vụ tai nạn xe container, xe tải mất lái đều rơi vào thời điểm từ 4 - 6h sáng. Đây là thời điểm đường sá vắng vẻ, gió mát nên tài xế thường hay buồn ngủ.

Anh Trương Quốc Khanh (42 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, tài xế đã bỏ nghề) chia sẻ: “Trước kia còn theo nghiệp vô lăng tôi luôn đặt tính mạng người đi đường lên hàng đầu, nhiều lúc buồn ngủ quá tôi phải dừng xe lại chợp mắt 1 chút rồi mới dám đi tiếp”. Anh Khanh cũng cho biết anh đã nhiều lần suýt gây tai họa cho người đi đường do quá buồn ngủ, sau những lần đó anh quyết định bỏ nghề.

Anh Trần Quốc Nam - tài xế xe container của doanh nghiệp Q.T. (quận 2) - hé lộ nguyên nhân: “Nhiều lúc cầm vô lăng nhưng mắt cứ lim dim, muốn chợp mắt một lát nhưng lại sợ ngủ quên, đến giờ cấm lại không vào được thành phố, nên dù rất buồn ngủ cũng cố chạy”.

Theo nhân định của một cán bộ cảnh sát giao thông công an quận 2, trong thời gian qua các đơn vị chức năng liên tục ra quân kiểm tra xe quá khổ, quá tải nên nhiều doanh nghiệp vận tải cũng thay đổi phương thức nhằm đối phó với cơ quan chức năng như cho tài xế nghỉ ban ngày và tăng cường chạy vào ban đêm. Nhưng một thực tế hiện nay là các tài xế chạy xe tải, xe container tuổi đời còn rất trẻ, ban ngày có thời gian rảnh rỗi họ thường chú tâm vào vui chơi, đến tối chỉ tranh thủ chợp mắt vài tiếng rồi phải chạy xe nên thiếu ngủ là điều tất yếu.

Tuy nhiên sau những vụ tai nạn kinh hoàng, phần lớn không tài xế nào thừa nhận mình ngủ gật mà luôn đổ lỗi do sự cố kỹ thuật của phương tiện. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành những quy định, chế tài đủ mạnh để có cơ sở xử lý dứt điểm vấn nạn này. Để không còn những vụ tai nạn kinh hoàng khi trời chưa sáng rõ.

Đình Thảo - Vũ Lê