1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Báo động nạn “khủng bố” qua điện thoại

Một bác sỹ chỉ vì cay cú không được một giáo sư đề bạt đã quên đạo thầy trò nhẫn tâm "khủng bố" thầy bằng điện thoại. Lúc thì anh ta bịt mũi giả giọng, lúc lại thuê người khác qua điện thoại nói những lời tục tĩu, cốt hành hạ thầy.

Tiến sỹ ngôn ngữ “khủng bố” tiến sỹ luật

 

Tiến sỹ luật Nguyễn Văn Đ., trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngồi đối diện tôi với đôi mắt trũng sâu, khuôn mặt nhợt nhạt và liên tục thở hắt ra. Lâu nay, cứ tưởng chỉ những kẻ lưu manh, trộm cắp mới có hành vi xấu, ai ngờ, một ông tiến sỹ về ngôn ngữ học, từng nhiều năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài lại dùng điện thoại để "khủng bố" láng giềng của mình.

 

Tiến sỹ Đ. bị chứng huyết áp cao, từ khi bị tiến sỹ Nguyễn Trần P. "khủng bố" thì bệnh tình của ông ngày một trầm trọng. Có lần, không chịu nổi lời lẽ nhục mạ của ông P., ông Đ. bị sốc, huyết áp tăng vọt, phải đưa đến bệnh viện  cấp cứu. Chưa cần biết họ có mâu thuẫn gì, nhưng đọc bản trích "bài khủng bố" của tiến sỹ P. mà gia đình ông Đ. ghi âm được, tôi cũng rợn tóc gáy, không thể trích dẫn ra đây vì nó thiếu văn hoá ghê gớm. Thậm chí ông P. còn dọa sẽ giết tiến sỹ Đ.

 

Chuyện chỉ có thế này: Tiến sỹ P. mua một căn hộ ở khu nhà mà tiến sỹ Đ. sinh sống. Tiến sỹ P. thuê thợ xây hai bể nước ở hai ga ra, nhưng thợ phát hiện bể phốt công cộng bị vỡ, có dấu hiệu tràn sang bể nước của bà con khu phố. Bà con khu phố đã làm đơn gửi lên Giám đốc công ty xây dựng, trong đó có kiến nghị cần mắc thêm đèn chiếu sáng cho một số khu nhà; đồng thời thắc mắc một số việc làm không đúng quy định của công ty xây dựng này, như bán tầng trệt cho một số cá nhân...

 

Vì là Trưởng khu phố nên tiến sỹ Đ. đã thay mặt bà con ký tên vào đơn kiến nghị đó. Ông có ngờ đâu, nó chính là "mầm" gieo phiền muộn, lo lắng đến cho gia đình ông. Từ khi biết lá đơn đó do tiến sỹ Đ. ký tên, sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, tiến sỹ P. đã nghĩ ra trò dùng điện thoại "khủng bố" tinh thần vợ chồng tiến sỹ Đ. vào đêm khuya.

 

“Đánh ghen” bằng tin nhắn

 

Lo lắng, hoang mang, suy nhược cơ thể chẳng kém gì tiến sỹ Đ., là chị Nguyễn Thị H., công tác trong ngành Hàng không. Chị là một phụ nữ hiền lành, sống khép mình, nhưng bỗng một ngày, một tin nhắn vô văn hoá, cộc lốc và đầy yếu tố bạo lực nhắn vào điện thoại di động của chị: "Mày quen với một luật sư, hãy buông tha ông ta, nếu không con gái mày ở Nga sẽ bị tạt axít".

 

Đúng là chị có quen một luật sư, nhưng chỉ là quan hệ xã giao. Thế nên chị H bủn rủn người mỗi khi đọc được tin nhắn đó, chị lo cho mình một, thì lo cho con gái út đang du học ở Nga mười.

 

Cô con gái cả của chị đang ở Hà Nội cũng thường xuyên bị một người đàn bà điện thoại đe dọa. Chị không thể sống yên ổn, xin nghỉ việc triền miên. 

 

Trò “cay cú” thầy

 

Đau lòng hơn, một bác sỹ chỉ vì cay cú không được một giáo sư đề bạt đã quên đạo thầy trò nhẫn tâm "khủng bố" thầy bằng điện thoại. Lúc thì anh ta bịt mũi giả giọng, lúc lại thuê người khác qua điện thoại nói những lời tục tĩu, cốt hành hạ thầy. Cả tháng trời điện thoại réo rắt, vợ của giáo sư không chịu nổi đã đổ bệnh. Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn này, vị giáo sư già cứ lặng lẽ lau nước mắt. Bất luận lý do gì, thì hành vi của người học trò đó là không thể chấp nhận...

 

Có ngàn lẻ động cơ "khủng bố" bằng nhắn tin, điện thoại. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể một năm đã xảy ra bao nhiêu vụ "khủng bố" bằng điện thoại, nhưng trong xu thế dịch vụ viễn thông phát triển rầm rộ như hiện nay, thì nạn "khủng bố" bằng dịch vụ viễn thông cũng là mối lo ngại cho sự an toàn của xã hội, nhất là khi xu hướng này đang gia tăng ở mức báo động.

 

Đại tá Trần Văn Nho, Phó Thủ trưởng Thường trực cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng, hành vi "khủng bố", quấy rối bằng điện thoại nên sớm được nghiên cứu để đưa vào Bộ luật Hình sự, nếu không nó sẽ phát triển thành bức xúc lớn của toàn xã hội.

 

Theo Thu Phương

Công an nhân dân