DMagazine

"Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường"

(Dân trí) - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TW Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh điều ông đánh giá cao ở Dân trí không chỉ là tốc độ phát triển, mà là sự nhất quán trong lựa chọn triết lý phát triển vì con người".

Khẳng định này Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, đưa ra trong cuộc trò chuyện với báo Dân trí nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) và 20 năm thành lập báo điện tử Dân trí (15/7/2005-15/7/2025).

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 1

Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của báo chí cách mạng trong 100 năm qua, đặc biệt trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII với nhiều thách thức chưa từng có?

- Báo chí cách mạng Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã trải qua một thế kỷ phụng sự sự nghiệp vẻ vang của Đảng, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng luôn khẳng định vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 3

Ngay từ khi báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, báo chí cách mạng Việt Nam đã mang trong mình sứ mệnh khai mở trí tuệ, thắp sáng tinh thần yêu nước, truyền bá lý tưởng cách mạng, đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin đến với Nhân dân Việt Nam.

Trong mỗi thời kỳ, sứ mệnh ấy lại được hiện thực hóa bằng những yêu cầu, nhiệm vụ và phương thức mới - đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đổi mới, nỗ lực không ngừng từ mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cách mạng.

Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, báo chí là "vũ khí sắc bén", là “người chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận tư tưởng, biết bao thế hệ người cầm bút không quản hiểm nguy, gian khó, kề vai sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên mọi mặt trận.

Những bài viết, hình ảnh, bản tin được truyền về từ chiến khu, chiến trường ác liệt, cái chết cận kề không chỉ phản ánh hiện thực hào hùng mà còn tiếp thêm niềm tin, thắp sáng tinh thần yêu nước, khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, cổ vũ cả dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 5

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Bí thư đến làm việc với báo Dân trí sáng 19/8/2024 (Ảnh: Thành Đông).

Hơn 500 nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi tuyến lửa, tô thắm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đỉnh cao chói lọi Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí tiếp tục là là lực lượng xung kích, chủ lực đi đầu trong tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; tuyên truyền sâu sắc, toàn diện công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 6

Báo chí đã góp phần định hình nhận thức xã hội, lan tỏa tinh thần đổi mới,  củng cố lòng tin  của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ, lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, đất nước ta đã phải đối mặt với những thử thách chưa từng có tiền lệ: đại dịch Covid-19; xung đột, bất ổn chính trị của một số quốc gia, khu vực trên thế giới gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu; sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, nền tảng xuyên biên giới và cả những vấn đề xã hội mới nảy sinh, phức tạp, khó lường.

Những biến động đó đã tác động không nhỏ tới đời sống báo chí. Hoạt động báo chí chịu sức ép đồng thời từ nhiều phía: từ yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức bộ máy; sự cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội và nền tảng xuyên biên giới.

Báo chí phải vừa bảo đảm tính định hướng, tính chiến đấu của báo chí cách mạng, vừa thích ứng nhanh, linh hoạt với yêu cầu công nghệ, thị hiếu công chúng, tốc độ lan truyền và tính tương tác của thời đại số.

Tuy nhiên, vượt qua những thách thức đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đổi mới không ngừng, là lực lượng chủ lực, xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 8

Đó là những nỗ lực để giữ vững vai trò tuyến đầu trên “mặt trận thông tin phòng chống dịch bệnh Covid-19”, phản ánh nỗ lực, quyết tâm, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự đồng tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, niềm tin sự đồng thuận nhân dân vượt qua đại dịch.

Báo chí cũng phản ánh những nỗ lực của Đảng, Chính phủ trong giai đoạn tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Báo chí cách mạng luôn đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;  tích cực tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng niềm tin, tạo đồng thuận trong hệ thống chính trị và  toàn xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Với tinh thần dũng cảm, dấn thân, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Báo chí đang tích cực tuyên truyền cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội về những chủ trương, quyết sách cách mạng của Đảng, nhà nước ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:“Nhiệm vụ của người làm báo là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Trong 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang đó.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 10

Sự phát triển bùng nổ của công nghệ số và mạng xã hội tạo ra nhiều động lực để giúp báo chí thay đổi, nhưng cũng mang lại không ít thách thức lớn. Theo ông, báo chí chính thống đang phải đối mặt với những áp lực gìphải làm thế nào để thích ứng, vượt qua?

- Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, truyền thông đa nền tảng không chỉ làm thay đổi cách tiếp cận thông tin, mà còn tái định nghĩa vai trò và sứ mệnh của báo chí trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn vừa đầy cơ hội bứt phá, vừa đối diện không ít thách thức chưa từng có.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 12

Trước tiên, nói về thách thức. Thách thức lớn nhất, theo tôi, là nguy cơ báo chí chính thống có thể bị "phủ sóng mờ" giữa “biển” thông tin đa tầng, đa chiều, nơi mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới đang thao túng bằng thuật toán và lợi ích thương mại. Nếu không giữ được bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, báo chí sẽ bị lùi lại phía sau trong chính trận địa mà lẽ ra mình phải làm chủ.

Một thách thức khác, rất cơ bản, chính là niềm tin của công chúng báo chí đang có nguy cơ giảm sút trước sự tấn công của tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Khi bất kỳ ai thông qua trang cá nhân của mình cũng có thể trở thành “người đưa tin” với tốc độ nhanh và lan rộng trên không gian mạng, giá trị xác tín của báo chí đứng trước thử thách gay gắt.

Trong khi đó, một bộ phận người làm báo bản lĩnh chính trị còn non kém, chưa thành thạo công nghệ, còn lúng túng trong thích ứng với mô hình báo chí số. Nếu báo chí và những người làm báo không dũng cảm vượt lên chính mình, hoàn thiện chính mình thì không chỉ tụt hậu, mà báo chí còn đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa trên mặt trận tư tưởng.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 14

Bên cạnh đó là áp lực đổi mới mô hình tổ chức, vận hành trong khi vẫn phải tuân thủ nguyên tắc, giữ vững tôn chỉ, mục đích. Không ít cơ quan báo chí vẫn nặng nề về bộ máy, chậm chuyển đổi, thiếu nhân lực số, dẫn tới trì trệ trong thích ứng.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, thách thức chưa bao giờ là lý do để báo chí lùi bước. Chúng ta đang có trong tay những cơ hội to lớn để nâng tầm báo chí cách mạng nếu biết tận dụng sức mạnh của công nghệ. Trí tuệ nhân tạo không chỉ là công cụ, mà còn là đòn bẩy cho báo chí tăng tốc, mở rộng không gian sáng tạo, cá nhân hóa nội dung, phân tích hành vi độc giả để phục vụ công chúng một cách chính xác, nhân văn và hiệu quả hơn.

Cơ hội còn đến từ việc báo chí có thể trở thành “kiến trúc sư thông tin”, kiến tạo không gian dư luận tích cực, lan tỏa tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển, cổ vũ lối sống đẹp, tinh thần trách nhiệm, nhân văn, nhân ái, giá trị của tri thức, đạo đức, văn hóa - những giá trị cốt lõi mà công nghệ không thể thay thế.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, dù thời đại có thay đổi đến đâu, công nghệ có phát triển đến mức nào, sứ mệnh của báo chí cách mạng vẫn nhất quán và vẹn nguyên: là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là công cụ đắc lực của Đảng, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 16

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, nâng cao năng lực số, phát triển đội ngũ người làm báo “Giỏi về nghiệp vụ báo chí, sâu sắc về lý luận chính trị, am hiểu thực tiễn đời sống xã hội và tinh thông về ứng dụng công nghệ”, để báo chí không chỉ theo kịp thời đại, mà còn dẫn dắt thời đại - bằng sự công tâm, khách quan, tôn trọng sự thật, bằng trí tuệ, văn hóa, đạo đức và niềm tin lớn lao của công chúng, độc giả, nhân dân.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “Kỷ nguyên mới cũng đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”.

Đó vừa là định hướng chiến lược, là mong mỏi, kỳ vọng sâu sắc của Đảng đối với đội ngũ báo chí cách mạng trong thời đại mới. Một nền báo chí luôn nỗ lực đổi mới, biết làm chủ công nghệ, gìn giữ đạo đức và văn hóa nghề nghiệp, thì nhất định sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt định hướng dư luận xã hội, tạo dựng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Tôi tin rằng, với truyền thống vẻ vang, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, với sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và sự chủ động thích ứng từ chính đội ngũ những người làm báo, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ không chỉ vượt qua mọi thách thức, mà còn khẳng định vị thế tiên phong trong kiến tạo không gian thông tin lành mạnh, nhân văn, hiện đại - trở thành một trụ cột tinh thần vững chắc của đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 18

Trong kỷ nguyên số, việc phải vừa  giữ vững bản sắc cách mạng, vừa bắt nhịp thời đại đặt ra những khó khăn gì cho báo chí, thưa ông?

Đây là một câu hỏi lớn, vừa mang tính thời sự cấp bách, vừa chạm đến những giá trị căn cốt của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bước vào kỷ nguyên số với những biến động nhanh, mạnh và sâu rộng về công nghệ, truyền thông và tâm lý công chúng, đứng trước yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ để không tụt hậu. Nhưng đổi mới thế nào để vẫn giữ vững bản sắc cách mạng - đó là một yêu cầu mang tính nguyên tắc.

Trước hết, cần khẳng định rõ: giữ vững bản sắc cách mạng không có nghĩa là bảo thủ, trì trệ, mà chính là giữ cho được giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam - một nền báo chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là tinh thần “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 20

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí Việt Nam muốn phát triển, hòa mình trong dòng chảy chung của báo chí quốc tế, thì phải bắt nhịp với thời đại. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi về tư duy, nhất là tư duy số, đổi mới mô hình tổ chức, phương thức sản xuất và phân phối thông tin.

Báo chí không thể “đi theo”, “nói lại” mạng xã hội, cũng không thể “đứng ngoài” các nền tảng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, báo chí dữ liệu, sản xuất nội dung đa nền tảng, cá nhân hóa thông tin...

Tuy nhiên, khác với thông tin tự phát trên mạng, báo chí cách mạng có một giá trị không thể thay thế - đó là tính chính thống, tính định hướng, tính nhân văn, tính nhân dân. Muốn giữ được vị thế này, báo chí phải kiên trì bảo vệ sự thật, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và năng lực sử dụng công nghệ.

Tôi cho rằng, có ba yếu tố mà báo chí cần thực hiện nhuần nhuyễn để vừa giữ được bản sắc, vừa bắt kịp thời đại.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 22

Thứ nhất, đổi mới tư duy nhưng kiên định nguyên tắc. Tư duy làm báo trong thời đại số phải là tư duy kiến tạo, tích hợp công nghệ, dữ liệu và tương tác, nhưng vẫn đặt trọng tâm vào nội dung vì con người, vì cộng đồng. Đổi mới nhưng không đánh mất tôn chỉ, không lẫn lộn giữa định hướng và chạy theo thị hiếu.

Thứ hai, chuyên nghiệp hóa đội ngũ và tổ chức. Người làm báo hôm nay không chỉ cần bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng, mà còn phải là người nắm chắc công nghệ, hiểu biết công chúng, làm chủ nhiều kỹ năng truyền thông hiện đại. Tòa soạn hôm nay không thể là “nhà máy tin tức” một chiều, mà phải là “hệ sinh thái thông tin” năng động, linh hoạt, biết lắng nghe và tương tác.

Thứ ba, giữ vững vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội. Trong biển thông tin hiện nay, báo chí không thể tự hài lòng với vai trò đưa tin đơn thuần. Báo chí phải đi trước một bước, dũng cảm nhận lấy trách nhiệm “định hình đúng - sai”, “kích hoạt cái tốt - loại trừ cái xấu”, “gieo mầm tri thức - nuôi dưỡng khát vọng”.

Muốn vậy, báo chí cách mạng phải thật sự làm chủ trận địa tư tưởng – văn hóa trên cả không gian truyền thống và không gian số. Phải kế thừa tinh thần chiến đấu quả cảm, nhân văn và trí tuệ của lớp lớp nhà báo - chiến sĩ đi trước; giữ vững ngọn lửa lý tưởng đã hun đúc nên một nền báo chí gắn bó máu thịt với Đảng và nhân dân.

Đồng thời, báo chí phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại để vươn tầm, bắt nhịp thời đại.

Chỉ khi gắn kết nhuần nhuyễn giữa giá trị cốt lõi của quá khứ, bản lĩnh chính trị của hiện tại và khát vọng vươn lên trong tương lai, báo chí cách mạng mới thực sự xứng đáng là người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng trong kỷ nguyên mới.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 24

Cùng với sự phát triển chung của báo chí cách mạng Việt Nam, báo Dân trí trong 20 năm hình thành và phát triển đã nỗ lực vươn lên để trở thành một trong những tờ báo điện tử có uy tín và sức lan tỏa ở Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về dấu ấn phát triển của báo Dân trí trong thời gian qua?

- Tôi dành nhiều tình cảm và sự trân trọng đối với hành trình 20 năm xây dựng trưởng thành và phát triển của báo Dân trí.

Điều tôi đánh giá cao ở Dân trí không chỉ là tốc độ phát triển, khi thường xuyên nằm trong vị trí top đầu các báo điện tử được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, hay khả năng thích ứng trong môi trường báo chí số, mà là sự nhất quán trong lựa chọn triết lý phát triển vì con người, vì cộng đồng.

Từ chuyên mục đầy tính nhân văn “Tấm lòng Nhân ái” đến các tuyến bài tiên phong trong các vấn đề dân sinh, phản ánh chân thực cuộc sống và xã hội, Dân trí đã thực sự góp phần lan tỏa lòng nhân ái, kết nối yêu thương và đồng hành, phản ánh những vấn đề thiết yếu của người dân như: giáo dục, y tế, lao động, an sinh xã hội.

Báo chí thắp sáng niềm tin, hun đúc khát vọng phát triển hùng cường - 26

Báo Dân trí còn được biết đến là đơn vị tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, một giải thưởng uy tín vinh danh các nhà khoa học, chuyên gia với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, môi trường… Điều này không chỉ thể hiện vai trò truyền thông mà còn là vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước - góp phần đưa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào cuộc sống.

Những thành tựu này đã giúp báo Dân trí không chỉ là một kênh thông tin đáng tin cậy mà còn là một đơn vị báo chí có trách nhiệm xã hội cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng và của xã hội nói chung.

Trong dòng chảy chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, tôi tin rằng báo Dân trí sẽ tiếp tục phát huy bản sắc riêng có của mình, phấn đấu xây dựng cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, trí tuệ, hiện đại, vừa là nơi chia sẻ tri thức, vừa là nhịp cầu nối kết trái tim.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của báo Dân trí qua các thời kỳ.

Mong rằng Dân trí sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy “Tâm sáng - lòng trong - bút sắc”, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, công nghệ và nội dung, để mãi là ngọn lửa thắp lên niềm tin, tinh thần nhân văn, nhân ái, lan tỏa tri thức và đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Tuấn Huy