1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Báo chí góp phần vạch trần nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực

(Dân trí) - Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết, báo chí là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được báo chí góp phần đưa ra ánh sáng.

Sáng 7/8, Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là những nhà báo ưu tú, tiêu biểu, thay mặt cho hơn 22.000 hội viên nhà báo, thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc, đại diện ý chí, nguyện vọng, tình cảm và quyết tâm của hội viên cả nước.

20150807-091251-da7fd

Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc sáng nay

Ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Đại hội là đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung Ương Đảng (khóa XI) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Đại hội lần này cũng tập trung thảo luận, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội và các văn kiện quan trọng khác. Đồng thời tiến hành bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết để lãnh đạo các mặt của công tác Hội.

Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc. Vì vậy, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trình bày báo cáo chính trị của Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khóa IX, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hội nhà báo cho biết, hiện nay cả nước có 845 cơ quan báo chí, gồm 199 báo in và 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố, có 98 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí...

Theo ông Hà Minh Huệ với sự phát triển tốc độ cao của báo điện tử cùng với tính chất tích hợp truyền thông đã mở ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Mặt khác, các cơ quan báo chí đã và đang phải đương đầu với cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt với mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho biết, báo chí cũng là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực  và các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc tiêu cực tham nhũng đã được báo chí góp phần đưa ra ánh sáng.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm