1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo cháy nhầm tại chung cư: Lắp camera tìm "thủ phạm"

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tại 1 số tòa nhà chung cư thường xuyên xảy ra sự cố chuông báo cháy bị kích hoạt nhưng lại không có hỏa hoạn thực sự xảy ra. Thực trạng này đang gây hoang mang, tâm lý bất an cho cư dân sinh sống tại các tòa nhà này.

3-1444748400974

Hàng trăm hộ dân tại tòa nhà VP5-Bán đảo Linh Đàm bị phen hoảng loạn vì chuông báo cháy "rú" liên hồi, tuy nhiên tòa nhà lại không có dấu hiệu của hỏa hoạn thực sự (ảnh chụp tối 13/10/2015)

 

Chuông báo cháy liên tục bị kích hoạt tại các tòa nhà chung cư

Thời gian qua, tại 1 số chung cư trên địa bàn Hà Nội thường xuyên gặp phải sự cố hệ thống chuông báo cháy “rú” lên nhưng lại không có dấu hiệu của hỏa hoạn thực sự xảy ra.

Cụ thể, khoảng 22h tối 12/10, người dân tòa nhà CT5 – khu đô thị Xa La (Hà Đông) bị phen hoảng loạn vì nghe tiếng chuông báo cháy, hàng trăm người dân sống tại tòa nhà vội vàng lao xuống sân, xuống hầm di chuyển xe máy ra khu vực an toàn. Lực lượng PCCC sở tại cùng xe cứu hỏa cũng được điều đến. Tuy nhiên, sau đó tòa nhà lại không có dấu hiệu của hỏa hoạn thực sự.

Trước đó, ngày 20/9, tại tòa nhà HH4B – KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai) cũng xảy ra việc tương tự và cảnh sát PCCC cũng được điều đến. Nguyên nhân vụ việc được xác định là chuông báo cháy tự động kích hoạt.

Gần đây nhất là tối 13/10, tại tòa nhà VP5 - Bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai - Hà Nội) chuông báo cháy lại bị kích hoạt, khiến hàng trăm hộ dân lại bị phen hoảng loạn, lực lượng PCCC khu vực đã điều 1 xe thang, 2 xe cứu hỏa đến hiện trường nhưng không có cháy nên lại quay về. 

Việc báo cháy nhầm không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân tòa nhà mà còn khiến lực lượng chức năng PCCC mất thời gian, công sức.

4-1444748400875

2 xe chữa cháy và 1 xe thang đã được điều đến hiện trường vụ báo cháy tại tòa nhà VP5-Bán đảo Linh Đàm, nhưng lại quay về vì hỏa hoạn thực sự chưa xảy ra. (ảnh chụp tối 13/10/2015)

 

Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Trần Quế Thường - Phó phòng Cảnh sát PCCC số 9 (Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội) chia sẻ: “Đội của tôi cũng thỉnh thoảng nhận được thông tin báo cháy kiểu như vậy. Khi xác minh những trường hợp này có thể là do trẻ em bị hoang tưởng nên gọi đến, hoặc nghịch ngợm bấm vào chuông báo cháy khiến người dân gọi điện tới. Đối với những trường hợp báo cháy giả, chúng tôi sẽ phải tiến hành điều tra nếu có ý đồ xấu thì sẽ phải xử phạt theo qui định của pháp luật. Bất cứ cuộc gọi nào của người dân báo cháy, chúng tôi đều phải hỏi rõ tên tuổi, địa chỉ ở đâu thì mới tiến hành điều động xe và người xuống hiện trường”.

Lắp camera để phát hiện người cố tình kích hoạt chuông báo cháy

Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí, ông Lê Quốc Hưng – Giám đốc Chi nhánh dịch vụ nhà ở, Ban quản lý khu đô thị Mường Thanh – cho biết: Thời gian gần đây, tại 1 số tòa nhà chung cư do đơn vị này làm chủ đầu tư thường xuyên xảy ra sự cố chuông báo cháy bị kích hoạt nhưng lại không có hỏa hoạn thực sự xảy ra. Thực trạng này đang gây hoang mang, tâm lý bất an cho cư dân sinh sống tại các tòa nhà này. Về nguyên nhân khiến hệ thống chuông báo cháy bị kích hoạt, ông Hưng cho biết đơn vị này cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo ông Hưng, ngoài nguyên nhân khách quan khiến chuông báo cháy bị kích hoạt, thì cũng xuất phát từ nguyên chủ quan của con người như chưa nâng cao ý thức về PCCC, vẫn còn chủ quan, lơ là với “giặc lửa”.

“Gần đây nhất là tối 13/10 tại tòa nhà VP5-Bán đảo Linh Đàm chuông báo cháy rú liên hồi khiến cư dân hoảng loạn. Chúng tôi điều tra nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân đốt vàng mã ở cầu thang bộ và lại còn có hành động ném rác này vào buồng tăng áp ở tầng 25 dẫn đến sự việc như vậy. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi đã tuyên truyền nhắc nhở người dân cần nâng cao ý thức về PCCC tại nơi mình ở và dán thông báo từng tầng để người dân đọc và hiểu được điều này” – ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, đơn vị này đang trình với cấp trên cho lắp đặt hệ thống camera tại hàng lang các tầng ở các tòa nhà để nhằm mục đích phát hiện những người dân có ý thức kém trong công tác PCCC khiến chuông báo cháy kích hoạt hoặc để xảy hỏa hoạn tại tòa nhà. “Nếu người dân để xảy ra những trường hợp như vậy, tùy theo tính chất của từng sự việc mà chịu những mức xử phạt khác nhau theo qui định của pháp luật và theo qui định của ban quản lý tòa nhà” – ông Hưng nói thêm.

Còn đối với vấn đề báo cháy giả, theo luật sư Giang Hồng Thanh – Văn Phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định “báo cháy giả là hành vi bị nghiêm cấm”.

Đối với trường hợp báo cháy giả, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013.

Còn đối với trường hợp thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng, người nào không thay thế các thiết bị này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định này.

Nguyễn Dương