Báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán tại Thủ Thiêm, Tổng Liên đoàn lao động
(Dân trí) - Báo cáo công tác năm 2020 của Tổng Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội nêu con số 660 tỷ đồng cần xử lý trong các dự án BT tại Thủ Thiêm, 29.000 tỷ đồng “tồn” quỹ công đoàn.
Báo cáo được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thực hiện theo thông lệ, để phục vụ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, sẽ bắt đầu vào đầu tuần sau.
Báo cáo tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/9/2020 xấp xỉ 53.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu 3.000 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 10.700 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 40.000 tỷ đồng.
3 dự án BT tại Thủ Thiêm đều chậm tiến độ, 1,5-3 năm
Một trong những kết quả nổi bật là kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) xử lý tài chính và xử lý khác hơn 660 tỷ đồng.
Cụ thể, về dự án này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận định, chất lượng lập tổng mức đầu tư tại các dự án được kiểm toán chưa tốt, còn bất cập, trong đó, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.600 tỷ đồng, giá trị dự toán tiếp tục được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư xác định lại hợp đồng BT còn xấp xỉ 1.800 tỷ đồng (bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 tổng mức đầu tư được duyệt là 4.200 tỷ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 3.000 tỷ đồng, giá trị dự toán là 2.500 tỷ đồng (bằng 58,7% tổng mức đầu tư ban đầu).
Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị có tổng mức đầu tư được duyệt là gần 12.200 tỷ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 8.200 tỷ đồng, giá trị dự toán là 6.500 tỷ đồng (bằng 53,4% tổng mức đầu tư ban đầu).
Xác định giá trị dự toán chưa chính xác, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm của 3 dự án là 244,3 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, cả 3 dự án chậm tiến độ từ 18 tháng đến gần 3 năm, làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.
Nguy cơ mất vốn nguồn tài chính công đoàn
Nội dung đáng chú ý khác tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định Điều lệ Công đoàn và luật Công đoàn còn hạn chế.
Tổng Kiểm toán Nhà nước đề cập, việc giao biên chế và cơ chế giao kinh phí còn chưa có quy định thống nhất. Tại Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, biên chế được giao bởi 3 cấp có thẩm quyền. Thực trạng phổ biến tại các tỉnh, thành phố là biên chế giao mang tính “cào bằng”, không có sự khác biệt giữa các đơn vị.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, nguồn tích lũy tài chính công đoàn lũy kế đến 31/12/2019 là rất lớn, lên đến gần 29.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng qua nhiều năm gần đây. Năm 2017 là 18.800 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2016); năm 2018 là 23.200 tỷ đồng (tăng 23,6% so với năm 2017); năm 2019 là gần 29.000 tỷ đồng (tăng 24,5% so với năm 2018).
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong khi nguồn chi cho hoạt động công đoàn còn hạn chế thì nguồn tích lũy tăng dần qua các năm không được sử dụng hiệu quả đã làm giảm hiệu lực trong quản lý và điều hành. Trong đó, cho vay đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mua cổ phần, góp vốn đầu tư không đúng quy định luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn còn phổ biến, mua cổ phần chưa có cơ chế, cơ sở ràng buộc pháp lý, thiếu sự giám sát, cho vay xây dựng trụ sở kéo dài qua nhiều năm... dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn nguồn tài chính công đoàn.
Việc quản lý đất, trụ sở làm việc của hệ thống liên đoàn lao động còn nhiều hạn chế, tồn tại. Nhiều cơ sở nhà, đất liên kết, hợp tác kinh doanh, cho thuê chưa báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số hợp đồng cho thuê, hợp tác kinh doanh không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Một số diện tích đất để không, sử dụng làm nhà khách, khách sạn, nhà văn hóa tại các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố hoạt động không hiệu quả, chưa chứng minh được việc phục vụ cho người lao động và chưa đúng công năng sử dụng.