Bánh mì 0 đồng giữa TPHCM và "doanh thu" toàn nụ cười của chàng trai trẻ
(Dân trí) - Sau hơn một tháng, anh Hoàng Huy và cả nhóm đã "bán" hết 55.000 ổ bánh mì và suất ăn, mở rộng địa bàn hoạt động từ 1-2 quận nội thành ra toàn thành phố.
"Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ - Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau" là tiếng rao vừa quen vừa lạ trên những con đường ở TPHCM.
Khi nhịp sống Sài Gòn nhộn nhịp, lời rao ấy dễ dàng lạc lõng do tiếng còi xe, tiếng huyên náo của phố thị. Nhưng, những ngày này, tiếng rao đó rõ mồn một, để cụ già bán vé số, cô nhặt ve chai, em bé vô gia cư… đều có thể nghe thấy và đến mua. Ổ bánh mì nóng hổi kèm hộp sữa, thanh xúc xích, chai nước lọc tuy không lớn nhưng đủ giúp người khó khăn ấm lòng.
Chỉ sau một tháng hoạt động, dự án bánh mì Sài Gòn 0 đồng đã bán hết 50.000 ổ và suất ăn, mở rộng địa bàn hoạt động từ 1 - 2 quận nội thành ra toàn thành phố. Từ 2 - 3 thành viên chung tiền ban đầu, đến nay, dự án đã nhận được 1,6 tỷ đồng "góp vốn" đến từ hàng ngàn tấm lòng hảo tâm trên cả nước.
Anh Hoàng Huy - người sáng lập dự án này cho hay, "doanh thu" ấn tượng trong một tháng qua là hàng ngàn nụ cười, lời cảm ơn và vô vàn yêu thương dành cho mọi người.
Doanh thu toàn nụ cười, niềm vui từ "bánh mì 0 đồng"
Anh Hoàng Huy (33 tuổi) là người con của đất cảng Hải Phòng, đang sinh sống và lập nghiệp tại Sài Gòn. Covid-19 ập tới khiến doanh nghiệp du lịch của anh phải chật vật để tồn tại trong 1,5 năm qua.
Những ngày TPHCM có nhiều ca bệnh, gác lại nỗi lo riêng, anh cùng 2 người bạn lập nhóm "bánh mì Sài Gòn 0 đồng" với mong muốn hỗ trợ người gặp khó khăn vì Covid-19. Từ ngày 1/7, cứ 18h tối, anh bắt đầu khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, chở sọt bánh mì trên chiếc xe máy, rong ruổi khắp đường phố.
Ngày đầu, anh "bán" hết 100 ổ bánh mì, kèm sữa, xúc xích, nước uống chỉ trong hơn một giờ đồng hồ. Ngày hôm sau, nhóm tăng lên 200 ổ, rồi 300 ổ mà vẫn không đủ đáp ứng hết nhu cầu của khách.
Đó cũng là lý do khiến anh quyết định lên mạng xã hội "gọi vốn". Chỉ trong vòng 2 tuần, số tiền của các tấm lòng hảo tâm ủng hộ dự án này lên tới 1,1 tỉ đồng. Sau một tháng, con số ủng hộ, đóng góp là 1,6 tỷ đồng, chưa kể những hiện vật như rau củ, gạo, thực phẩm…
Những "nhà đầu tư" đến từ khắp nơi
Những người chung tay cho dự án bánh mì 0 đồng đến từ khắp nơi cả trong và ngoài nước. Họ là những "nhà đầu tư" đặc biệt vì không mong chờ lời lãi mà chỉ hi vọng người nghèo có thêm bữa cơm no, thêm động lực vượt qua thời điểm khó khăn.
Những "nhà đầu tư" đó có thể là cô bé 10 tuổi cặm cụi làm bánh, tự bán trong chung cư, gom góp 900.000 đồng rồi nhờ mẹ gửi cho chú Huy hoặc là cô giáo ở Sơn La dành dụm số tiền lương hưu tiết kiệm để san sẻ với người dân TPHCM hay cụ ông ngoài 70 tuổi ở Bắc Ninh vẫn đạp xe ra ngân hàng gửi chút tiền với hy vọng có thêm nhiều ổ bánh mì 0 đồng, hoặc những doanh nhân, nhân viên văn phòng, người Việt sống ở nước ngoài… cùng chung tay.
Từ 3 thành viên ban đầu, dần dần nhóm "bánh mì 0 đồng" có gần 30 thành viên. Họ chia thành đội hậu cần (lo nấu xôi, làm bánh mì), đội "bán hàng - vận chuyển" (lái xe máy, xe bán tải chở đồ đến khắp nơi).
Vào mỗi tối thứ 2, 4, 6, nhóm của anh Huy sẽ mang sọt đựng bánh mì cùng đồ ăn tỏa ra các tuyến đường. Trung bình mỗi tối nhóm phát được khoảng 1.600 ổ bánh mì cùng các phần ăn.
"Tôi chọn bánh mì vì đây là một món ăn bình dị, phổ thông với người dân TPHCM. Ngay khi đến tay người dân, họ có thể ăn liền, đủ để no bụng", anh Huy chia sẻ.
Giá trị của những chiếc bánh mì 0 đồng
Rong ruổi khắp thành phố trong nhiều ngày, anh Huy và cả nhóm gặp không ít những câu chuyện xúc động.
"Một đêm, tôi gặp 2 cậu bé khuyết tật, không nói được, bán hàng rong ở ngã tư. Tôi dừng xe đưa cho 2 cậu bé 2 ổ bánh mì 0 đồng. Các em gật đầu thay lời cảm ơn, sau đó cố gắng ra hiệu chỉ về phía công viên đối diện", anh Huy kể.
Sau khi hiểu ý của 2 cậu bé anh Huy và nhóm tiến về phía công viên. Ở đó còn những người lang thang, sống chật vật qua ngày.
Khi thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, hoạt động của nhóm anh Huy phải thu hẹp quy mô. Các thành viên nhóm thiện nguyện luôn ưu tiên việc đảm bảo an toàn trong quá trình đi phân phát. Ngoài trang bị các vật dụng bảo vệ bản thân, mọi người cố gắng giữ khoảng cách với người dân, không tập trung đông người và luôn tuân thủ luật giao thông.
Tuy nhiên, thời điểm này, số lượng người khó khăn tăng lên. Vì vậy, anh Huy tìm cách đổi mới hoạt động của nhóm.
"Việc giao bánh mì riêng lẻ gặp khó khăn thì chúng tôi "bán" những combo lương thực - thực phẩm đủ trong 7 ngày cho các gia đình ở khu vực phong tỏa, những xóm lao động nghèo… song vẫn giữ mức giá 0 đồng", anh Huy chia sẻ.
Đến nay, anh Huy cùng nhóm tình nguyện của mình đã đi tới hơn 100 xóm trọ trên khắp địa bàn thành phố. Anh Huy cho biết, các thành viên bánh mì Sài Gòn 0 đồng của anh không chỉ tuân thủ 5K của cơ quan chức năng khuyến cáo, mà còn thực hiện thông điệp 5K của nhóm là: Không ngại khó, ngại khổ; Kiên trì; Không khoảng cách (không khoảng cách về địa lý, lứa tuổi… ); Kỷ luật; Không phân biệt đối xử.
"Tôi đã trải qua nhiều dự án kinh doanh, nhưng có lẽ đây là dự án đặc biệt nhất cuộc đời. Đường phố Sài Gòn những ngày này có thể vắng lặng người qua lại nhưng chưa bao giờ vắng lặng tình người. Tôi mong muốn sau khi dịch bệnh qua đi, TPHCM trở lại nhịp sống bình thường và chúng tôi - những thành viên của nhóm bánh mì Sài Gòn 0 đồng có thể gỡ bỏ khẩu trang để mỉm cười với nhau và chung niềm vui với mọi người", anh chia sẻ.