Ban Thanh tra nhân dân sẽ giám sát các khoản đóng góp của dân
(Dân trí) - Theo dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến góp ý, Ban thanh tra nhân dân sẽ giám sát hoạt động và phẩm chất đạo đức của Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND và các khoản đóng góp…
Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Dự thảo nghị định đưa ra phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân rất rộng, gồm: Hoạt động của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn; hoạt động và phẩm chất đạo đức của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và các ủy viên UBND, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, Phó thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố và những người đảm nhận nhiệm vụ tương đương; việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; việc thu chi ngân sách, quyết toán ngân sách, công khai tài chính; việc quản lý trật tự xây dựng, quản lý các khu tập thể, khu dân cư, việc quản lý và sử dụng đất đai; thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định của Nhà nước, các khoản đóng góp của nhân; thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ xã, phường, thị trấn…
Trong quá trình thực hiện việc giám sát, Ban thanh tra nhân dân có quyền đề nghị Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám sát.
Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân và có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích tài sản nhà nước, ngân sách và các khoản đóng góp của nhân dân; thực hiện chương trình, dự án, quản lý và sử dụng đất đai trái với các quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật khác mà nội dung thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân thì Ban thanh tra nhân dân kiến nghị Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết, đồng thời báo cáo với Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ban thanh tra nhân dân.
Trường hợp kiến nghị không được xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết.
Theo dự thảo nghị định, Ban thanh tra nhân dân họp định kỳ mỗi quý một lần để kiểm điểm công tác trong quý và triển khai công tác quý sau, trong trường hợp cần thiết có thể họp đột xuất.
Ban thanh tra nhân dân thực hiện chế độ báo cáo mỗi quý một lần trước Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn; định kỳ 6 tháng một lần tiến hành sơ kết; hàng năm tổng kết hoạt động và báo cáo trước Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn.
Phải là người trung thực, công tâm, có uy tín
Theo dự thảo nghị định, thành viên Ban thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân.
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, phải là người làm việc thường xuyên tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do hội nghị nhân dân hoặc hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu.
Ban Thanh tra nhân dân có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là hai năm.
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5-11 thành viên.
Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5.000 người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5.000 người đến dưới 9.000 người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9.000 người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên.
Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân không quá 11 người.
Căn cứ vào địa bàn, số lượng dân cư, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn quyết định số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Thế Kha