1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ban quản lý báo cáo gì với Bộ GTVT vụ cao tốc "thất thủ"?

Phước Tuần

(Dân trí) - Ngập cao tốc do mưa lớn trong thời gian ngắn, nước sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.

Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về sự cố ngập cục bộ trên đường cao tốc phạm vi km25+419 thuộc gói thầu 2-XL, dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Ban quản lý báo cáo gì với Bộ GTVT vụ cao tốc thất thủ? - 1

Vị trí gom nước tại km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Phước Tuần).

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, nguyên nhân bước đầu xác định gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 29/7 là do mưa lớn trong thời gian ngắn, nước sông Phan dâng cao, chảy ngược vào hạ lưu cống km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường.

Tình trạng ngập nước cục bộ trong phạm vi 100m. Điểm ngập sâu nhất khoảng 70cm, ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông trên tuyến. Thời gian ngập, gây gián đoạn lưu thông khoảng 4 giờ.

Báo cáo cũng nêu rõ tuyến cao tốc cắt qua sông Phan tại km24+384 và đi vào khu vực các đồi núi thấp dạng bát úp; tuyến ngập cách sông Phan 200m. Thượng lưu sông Phan cách tuyến cao tốc khoảng 9km theo chiều dòng sông, có công trình đập sông Phan.

Về thông số kỹ thuật, cống ngang tuyến chính tại km25+419 có thiết kế khẩu độ 2,5x2,5m, được bố trí để thoát nước lưu vực từ trái tuyến qua phải tuyến và đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan. Rà soát lưu vực thực tế và bảng tính toán thủy văn, khẩu độ thiết kế cống đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía trái tuyến cao tốc.

Ban quản lý báo cáo gì với Bộ GTVT vụ cao tốc thất thủ? - 2

Mương gom nước tại vị trí ngập km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Phước Tuần).

Cũng trong báo cáo, đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng sông Phan có đặc điểm dòng chảy uốn lượn quanh co, bề rộng không đồng đều, lòng sông có nhiều cây cối có kích thước lớn. Khi xuất hiện mưa lớn trong thời gian ngắn, kết hợp lượng nước được xả theo điều tiết đập sông Phan đã gây ra dềnh, chảy ngược lại gây ngập cục bộ trên nhiều phạm vi nhà dân và vườn cây thanh long đoạn khu dân cư cạnh sông Phan.

Theo phản ảnh của người dân địa phương, đợt mưa và ngập trên sông Phan hàng chục năm nay không xuất hiện.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cũng như để tìm ra nguyên nhân chính xác của việc ngập nước từ đó có giải pháp xử lý triệt để, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ cùng các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán. Đây là cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Đơn vị tư vấn thiết kế sẽ khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp và báo cáo trước 20/8.

Ban quản lý báo cáo gì với Bộ GTVT vụ cao tốc thất thủ? - 3

Vị trí ngập tại km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Hoàng Bình).

Đối với giải pháp thanh thải lòng sông, đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ phương án xử lý, tiếp thu ý kiến nhận xét đánh giá của các bên liên quan để Ban quản lý dự án Thăng Long có cơ sở làm việc với địa phương.

Sau khi có kết quả của phương án xử lý triệt để, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan để có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo không làm phát sinh chi phí của dự án và tuân thủ quy định hiện hành.

Trước đó, khoảng 3h ngày 29/7 nước ngập tràn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn km25+300 - km25+400 do khu vực tỉnh Bình Thuận mưa lớn ở thượng nguồn sông Phan.

Sự cố ngập sâu khiến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kẹt xe kéo dài nhiều km Lực lượng chức năng kịp thời điều tiết phương tiện hướng TPHCM - Phan Thiết qua nút giao quốc lộ 55 để ra quốc lộ 1.