1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu"

(Dân trí) - Ông Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tình trạng vi phạm sử dụng rượu bia khi lái xe ở nam giới chiếm tỷ lệ cao, tới 97%, nữ giới chỉ có 3%. Tuy nhiên, phụ nữ lại là người gánh hậu quả nặng nề sau những vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu.

Sáng nay, 21/5, tại Hà Nội, diễn ra cuộc tọa đàm với chủ đề "Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu" do sinh viên K4 Giới và Phát triển của Học viện phụ nữ Việt nam phối hợp cùng đoàn trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.

Tham dự cuộc tọa đàm có ông Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp Hội taxi Hà Nội; bà Nguyễn Hồng Lan - chuyên gia về giới và Thạc sĩ Nguyễn Phương Chi – Giảng viên học viện phụ nữ Việt Nam; cùng đồng hành với chương trình có trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu - 1

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu - 2

Nhiều sinh đến dự cuộc tọa đàm về chủ đề "Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu".

Tại cuộc tọa đàm trên, các đại biểu cùng thảo luận xoay quanh vấn nạn sử dụng rượu bia khi lái xe và cách từ chối rượu bia trên những bàn tiệc.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp Hội taxi Hà Nội đưa ra những số liệu mới về tình hình tai nạn giao thông trên cả nước. Theo đó, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 5.453 vụ tai nạn giao thông làm 2.570 người chết, 1.615 người bị thương và 2.564 người bị thương nhẹ,

Theo ông Hùng, nguyên nhân số vụ tai nạn trên do lái xe sử dụng rượu bia là không nhỏ. 

Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu - 3

Ông Nguyễn Công Hùng phát biểu tại cuộc tọa đàm.

"Đó thực sự là con số đáng báo động, Việt Nam là quốc gia mà tỷ lệ người dân uống rượu bia vào loại lớn trên thế giới. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia chiếm 40% tổng số vụ tai nạn giao thông. Ngoài biện pháp tuyên truyền, giáo dục, theo tôi nhà nước cần phải có chế tài mạnh hơn để xử lý lái xe đã sử dụng rượu bia khi lái xe" - ông Hùng cho biết.

Là người hoạt động trong lĩnh vực vận tải, ông Hùng chia sẻ, bản thân ông thực sự lo lắng về vấn nạn sử dụng rượu bia khi lái xe. Hiện trên cả nước có khoảng 79.000 xe taxi, Hiệp Hội taxi trên cả nước luôn quán triệt với các lái xe không được sử dụng rượu bia khi lái xe. Hàng ngày, các doanh nghiệp vận tải taxi sẽ phải họp trực tuyến với các đầu cầu trên cả nước để chấn chỉnh lái xe phải đảm bảo yếu tố an toàn khi lái xe và tuyệt đối không được sử dụng bia rượu khi lái xe.

Tuy nhiên, một vấn đề mà ông Hùng bày tỏ lo lắng tại cuộc tọa đàm đó là, hiện nay số lượng ô tô dưới 9 chỗ sử dụng phần kết nối với hành khách như Grab để kinh doanh đã tăng đột biến. Loại hình này nhiều người gọi là "taxi công nghệ", cũng có người gọi là "xe hợp đồng điện tử", nhưng hiện nay nhà nước ta vẫn chưa định danh rõ ràng loại hình này. Bộ GTVT đang trình Chính phủ bản dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP  năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô, trong đó có nội dung định danh chính xác loại hình này, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa thông qua.

"Phải định danh rõ ràng loại hình taxi công nghệ, hay xe hợp đồng điện tử như nói ở trên thì chúng ta mới quản lý được. Hiện nay, lái xe của Grab gần như chẳng ai quản lý, do đó, hàng ngày cũng chẳng ai kiểm soát họ có sử dụng rượu bia không. Còn taxi truyền thống phải chịu 13 điều kiện kinh doanh, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo lái xe an toàn" - ông Hùng chia sẻ.

Bản lĩnh của mỗi người không nằm ở chén rượu - 4

Ông Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu.

Còn theo ông Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, chủ đề "lái xe sử dụng bia rượu" không mới nhưng rất khó thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Minh nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn xã hội phản ứng mạnh mẽ với vấn nạn này thì sẽ làm được.

"Ảnh hưởng của bia rượu khi lái xe rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Khi lái xe sử dụng bia rượu thì khả năng xử lý các tình huống trên đường là hạn chế. Mức phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn hiện nay ở Việt Nam là khá nặng so với thu nhập của chúng ta, lên tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian tới nhà nước cũng cần có chế tài mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe để hi vọng kéo giảm vấn nạn này xuống" - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, tình trạng vi phạm sử dụng rượu bia khi lái xe ở nam giới chiếm tỷ lệ cao, tới 97%, nữ giới chỉ có 3%. Tuy nhiên, phụ nữ lại là người gánh hậu quả nặng nề sau những vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu.

Ông Minh dẫn ví dụ ở Nhật Bản, đàn ông của quốc gia này rất hiếm khi say xỉn khi trở về nhà, bởi ở đó tiếng nói của người phụ nữ rất có trọng lượng. Từ đó, ông Minh cho rằng, một trong nhiều giải pháp là cần phải bàn tới cả vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam phải có tiếng nơi hơn trong xã hội và ở gia đình. 

"Chị em phụ nữ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa với các ông chồng khi la cà bia rượu sau giờ làm việc. Nếu chị em không phản ứng mạnh mẽ, dần dần người chồng coi đó là chuyện bình thường và khó kiểm soát hơn" - ông Minh nói thêm.

Ông Minh khuyến khích sinh viên cần tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là các chương trình về an toàn giao thông.

Nguyễn Dương