1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Bản làng Ba Na "nóng" chuyện bán hàng đa cấp

(Dân trí) - Bị mê hoặc bởi những lời "có cánh" như mức lương hàng chục triệu đồng, có nhà ở phố... một số người đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã lao đầu vào sự nghiệp “buôn nước bọt”, bán hàng đa cấp.

Gieo mầm “đa cấp” giữa núi rừng

Từ giữa năm 2014, ở xã Vĩnh Sơn - một xã miền núi khó khăn của tỉnh Bình Định bỗng “nóng” lên câu chuyện bán hàng đa cấp. Trong số những người mang dịch vụ đa cấp đến với bản làng Ba Na phải kể đến Đinh Văn L. ở làng K8, xã Vĩnh Sơn. Người dân làng K8 kể, L. mồ côi mẹ, ở với cha. Tuy là người đồng bào Ba Na nhưng L. da dẻ hồng hào chẳng khác nào người dưới phố. Học xong lớp 12 tại trường TPTT nội trú tỉnh, L. tiếp tục học trung cấp y nhưng không hiểu vì lý gì mà bỏ ngang. Thời gian này, L. vẫn bám trụ ở lại Quy Nhơn nhưng không rõ làm nghề gì.

Bản làng Ba Na xã miền núi Vĩnh Sơn nóng lên về chuyện bán hàng đa cấp
Bản làng Ba Na xã miền núi Vĩnh Sơn nóng lên về chuyện bán hàng đa cấp

“Ở làng K8 này, có khi cả xã Vĩnh Sơn cũng không ai có cái miệng dẻo như nó, ăn nói ngọt như rót mật vào tai, ai chẳng xiêu lòng. Hễ nó bước ra đường là diện veston đen mới cứng, đầu tóc láng tưng, giày da bóng lộn, ai nấy trầm trồ khen ngợi… mà cũng chẳng biết tiền đâu mà cu cậu sắm sanh nhiều đến vậy”, chị Đinh Thị La, người bà con dì của L. kể lại.

Để rõ thực hư về tài năng “lôi kéo” của chàng "công tử bột" của núi rừng, chúng tôi tìm cách tiếp cận L. Phải nhờ đến sự dẫn đường của một người từng tin lời L. đi vào con đường bán hàng đa cấp, chúng tôi mới tìm được đến nhà. Bất ngờ với những vị khách không mời mà đến, bất đắc dĩ L. đành mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà nhỏ, trước phòng khách đập vào mắt là khung cửa kính trưng bày nhiều chai lọ các loại. Quan sát, những sản phẩm đều mang nhãn hiệu Tập đoàn Forever (Mỹ), từ thuốc chữa dạ dày, gan thận đến kem đánh răng nha đam (in hình lá nha đam)… Khi hỏi có phải là sản phẩm mà khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp mà L. được nhận không, L. lúng túng đáp: “Trước đây em bị xuất huyết dạ dày nên mua 4 hộp 400 hay 500 ngàn đồng/hộp gì đó, lâu rồi không nhớ rõ. Em dùng hết 4 hộp em thấy hết đau, giờ còn mấy cái vỏ em để cho vui thôi”.

Bản làng Ba Na xã miền núi Vĩnh Sơn nóng lên về chuyện bán hàng đa cấp
Đinh Văn L. luôn né tránh khi chúng tôi hỏi chuyện về việc tham gia đem hàng đa cấp về với bản làng Ba Na

Suốt cuộc trò chuyện, L. thường né tránh trả lời những câu liên quan đến quãng thời gian gia nhập vào mạng lưới bán hàng đa cấp cùng công ty Lô Hội. Vòng vo một hồi, L. mới hé lộ những kỹ năng cơ bản của thành viên mới gia nhập. L. không còn nhớ nhà phân phối tại Quy Nhơn mà chỉ biết đến công ty Lô Hội có trụ sở tận TP. Hồ Chí Minh qua người bạn tên Đinh Văn Sang bên xã Vĩnh Thuận.

Theo L., các thành viên tham gia bán hàng đa cấp tùy theo số tiền nộp vào và thành tích bảo trợ, vận động thêm người mới mà công ty tính điểm. Cách tính điểm (gọi là CC), mỗi CC là 5 triệu đồng. Ai được 2 CC là trợ lý giám sát, 25 CC là giám sát. Cao hơn là 75 CC là trợ lý quản lý, đạt 120 CC là nhà quản lý. Nếu lôi kéo được một người gia nhập đóng 10 triệu, tương đương 2 CC, nghiễm nhiên mình có hoa hồng 2 triệu đồng.

“Em không giỏi gì đâu, em chỉ bảo trợ được 3 trường hợp, họ đều là bạn cũ của em. Không có khả năng thuyết phục nên mới theo các anh chị được 1 tháng em phải bỏ về quê. Ở trên Tây Nguyên họ làm mới nhiều...”, L. nói.

“Mê hoặc” người đồng bào

Các chiêu trò của nhân viên bán hàng đa cấp là dùng những từ mật ngọt, “vẽ” lên một tương lai "không cần làm gì cũng có nhiều tiền" để mê hoặc những người cả tin. Chàng thanh niên Đinh Văn Nhu (1996, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn) ấm ức kể: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học tới lớp 10 em nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Việc làm không có, tiền không có tiêu, một hôm L. gặp em nói: có muốn làm việc dễ kiếm tiền không. Học nhiều cũng không làm được gì đâu, đi với anh xuống Quy Nhơn làm như chơi mà tháng kiếm 20-30 triệu”.

Chị Bé tay cầm hộp kem đánh răng nha đam, vật chứng tố cáo L. đã lừa người đồng bào
Chị Bé tay cầm hộp kem đánh răng nha đam, vật chứng tố cáo L. đã lừa người đồng bào

Nghe bùi tai, Nhu về năn nỉ gia đình cho 10 triệu đồng, xuống TP Quy Nhơn thuê trọ, cộng với 1 tháng tiền nhà trọ, ăn ở, đi lại mất cả 15 triệu để theo L. học nghề. “Lúc xuống Quy Nhơn em thuê trọ trên đường Ngô Mây ở cùng 5-6 người cùng mới vào nghề như em. L. và một anh tên Hóa, nói quê Thanh Hóa, anh này nói hay lắm, giống như thầy giáo giảng bài. Còn em vụng về, đường sá mù tịt, tiếng Kinh còn chưa rành, nói họ chưa hiểu, lấy gì mà nói chuyện vận động. Ở được 1 tháng trời, em biết khả năng mình không làm được đành về lại quê. Đến giờ bà còn kiềng riềng vì số tiền đó bà làm nương rẫy dành dụm bấy lâu đã mất sạch”, Nhu bùi ngùi kể.

Về quê, tiếc số tiền đã mất mà chưa vận động được ai, mỗi lần mở miệng nói lại thấy có lỗi với người nghe, có lần Nhu cũng "muối mặt" mở lời mời một người bạn học cũ ở làng K2 tham gia nhưng bạn nói nghèo không có tiền đóng. Từ đó Nhu cũng bỏ luôn.

Theo lời Nhu, những cái tên bị “sập bẫy” vào tròng đa cấp bởi những lời lẽ đường mật của L. còn có Đinh Xou, Đinh Thị Thúy ở xã Vĩnh Sơn; Đinh Văn Dương ở Vĩnh Thuận; 2 người làng O5, xã Vĩnh Kim; 5-6 người dưới huyện. Chưa hết, L. còn mở rộng phạm vi hoạt động ở các huyện lân cận như Hoài Ân, Vân Canh, thậm chí sang tận Kbang, tỉnh Gia Lai.

Chị Bé tay cầm hộp kem đánh răng nha đam, vật chứng tố cáo L. đã lừa người đồng bào
Đinh Văn Nhu là người đồng bào đầu tiên ở làng K8 bị mất oan 10 triệu vì tham gia vào bán hàng đa cấp

Trong số các nạn nhân có chị Định Thị Bé là em họ của L. Bé tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định, ra trường chưa xin được việc, ở nhà nghe L. nói ngon ngọt, làm giàu nhanh, chị Bé xin gia đình 10 triệu theo anh họ xuống Quy Nhơn học nghề. Rất may, chỉ 3 ngày sau Bé nhận ra "chân tướng" của ông anh họ nên không mất tiền oan. “Họ ăn mặc bảnh bao, nói thì hay lắm nhưng đi uống cà phê 3 hôm đều bắt em trả tiền. Thằng L. còn hối thúc em đóng tiền để giành lấy đẳng cấp hàng đầu ở Vĩnh Sơn”, chị Bé bức xúc cho biết.

Theo lời chị Bé, tại Quy Nhơn cô cùng 11 người khác được người đàn ông tên Lê Huy Hóa, ăn mặc lịch sự dẫn đến ngôi nhà 3 tầng trên đường Nguyễn Huệ, gần bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định giới thiệu là nhà ổng. “Ổng nói đó là thành quả chỉ vài năm kinh doanh đa cấp. Em hỏi sao anh kiếm tiền nhiều mà không dẫn cha mẹ ở quê vào. Ổng nói cha mẹ không thích. Em chẳng tin nên bỏ về quê mà họ không đồng ý. Em phải nói dối để về nhà xin tiền cha mẹ rồi xuống Quy Nhơn lại, rồi em ở nhà luôn. Sau đó, họ cử 3 người lên Vĩnh Sơn lôi kéo nói em rất có tương lai. Em ghét nói láo. Em làm việc đó không được, làm việc đó phải nói láo, lừa đảo chứ chẳng phải là kinh doanh…”.

Những chai lọ trưng bày tại nhà Đinh Văn L.
Những chai lọ trưng bày tại nhà Đinh Văn L.

Chị Bé còn giữ hộp kem đánh răng nha đam nhãn hiệu FOREVER BRIGHT để làm vật chứng tố cáo. Chị nói: “Em mua 130.000 đồng, dùng 1 tuần, thấy răng càng ngày càng xấu hơn, răng đang trắng thành đen xỉn, sợ quá em cất làm... kỷ niệm”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Đinh Ply, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, kiêm Bí thư xã cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được thông tin cũng không nghe dưới cơ sở phản ánh. Khi có thông tin tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra ngay, có kết quả sẽ thông báo”.

Doãn Công