1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bản đồ du lịch Quảng Bình quá cẩu thả

Tấm bản đồ du lịch trình bày rối rắm. Vị trí danh lam, di tích được chuyển chỗ lung tung. Nhiều lỗi chính tả, văn phong nghiêm trọng. Ấn phẩm này được thực hiện không theo Luật Xuất bản mà vẫn được lưu hành từ tháng 4/2005.

Bản đồ du lịch Quảng Bình đầu tiên được in với khổ khá lớn (64cmx84cm) và trên giấy láng trắng đẹp. Song tấm bản đồ này có quá nhiều sai sót. Bố cục của nó được sắp xếp như một “trận đồ bát quái”. Xung quanh là một hệ thống quảng cáo bao phủ. Từ quảng cáo thuốc xịt muỗi Remos, rượu cần Tây Nguyên đến Công ty Đam San tận mãi Buôn Ma Thuột rồi Nhà sách Hương Giang ở Huế... Một vài nhà hàng, khách sạn ở Quảng Bình xuất hiện trong một bố cục rối rắm.

 

Câu chữ và chú dẫn sai nghiêm trọng. Lời tựa cho tấm bản đồ được viết: “Chào mừng quý khách đến với Đồng Hới - Quảng Bình, một địa danh thật quyến rũ, nơi Bắc và Nam giao hòa, nơi những di sản văn hóa dân tộc và di sản văn hóa nhân loại hòa quyện vào nhau...”

 

Các địa chỉ danh thắng được sắp xếp một cách tùy hứng, không theo quy luật nào, với một loạt các sai sót thể hiện sự cẩu thả. Đơn cử: Khi chỉ dẫn cho du khách địa chỉ chùa An Xá và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản đồ ghi: “Chùa An Xá - Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Văn Giáp”. Chưa hết, tượng đài Mẹ Suốt rành rành ở Hải Đình (gần sát chợ Đồng Hới) lại bị “di dời” sang mãi Bảo Ninh.

 

Sân bay Khe Gát và sân bay Đồng Hới bị viết “ngọng” thành "sây bay". Làng Mô ghi thành Làng Mồ. Cầu Mụ Kề lại ghi thành Mụ Kè. Đường Quách Xuân Kỳ biến thành Quách Xuân Ký. Lâm Úy thành Lâm Ũy. Diêm Hải thành Diên Hải.

 

Trụ sở UBND tỉnh được chuyển sang “làm việc” bên Tỉnh ủy. 16 xã, phường của Đồng Hới được “biên tập” lại còn... 13. Tất cả các ảnh minh họa đều “quên” mất tên tác giả.

 

Một ấn phẩm kém chất lượng như thế nhưng đã vuột khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng từ tháng 4/2005 đến nay. Ông Lê Hùng Phi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thẳng thắn: "Chúng tôi đã cấp phép cho Cty Du lịch (nay là Cty cổ phần Du lịch Quảng Bình) in ấn phẩm này (Giấy phép số 16/XB ngày 6/4/2005), nhưng họ đã không tuân thủ những quy định hiện hành. Khi hoàn thành ấn phẩm họ đã không nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, cho Sở VH-TT. Số lượng ghi trong giấy phép chỉ 2.000 bản nhưng họ in nhiều hơn gấp 10 lần".

 

Vì họ không nộp lưu chiểu nên những sai sót trên chậm được phát hiện và chậm có biện pháp xử lý. Riêng 2 sai phạm đó thôi, theo Luật Xuất bản và Nghị định 31/CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực VH-TT thì đã đủ cơ sở để xử phạt.

 

Khi dư luận rộ lên về ấn phẩm Bản đồ du lịch Quảng Bình quá kém chất lượng, ngày 10/1/2006, Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin đã tiến hành lập biên bản, niêm phong số ấn phẩm còn lại. Điều đáng nói là, số lượng còn lại chưa đầy 2.000 tờ. Nghĩa là đã có 18.000 tờ ấn phẩm chất lượng kém “kịp” đến tay du khách.

 

Ấn phẩm này do Công ty Du lịch Quảng Bình và Công ty quảng cáo Nguyễn (14 Nguyễn Thiệp, quận 1, thành phố HCM), thực hiện.

 

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm