1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bán công ty giá 1 USD còn hơn bị phá sản

Dù đã đầu tư vào doanh nghiệp tới 3,6 triệu USD, nhưng ông chủ người nước ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ khi có người mua công ty của mình <a href="http://www5.dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/8/132908.vip"> với giá chỉ 1 USD</a>. Vì sao?

Công ty Cổ phần doanh nghiệp Trẻ (CPDNT) do 2 sáng lập viên là 2 doanh nhân đã được giải Sao đỏ của T.Ư Đoàn, Trần Bá Dương và Phạm Đức Bình, thành lập. Vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó các sáng lập viên chiếm 54%, phần còn lại là của các thành viên trong Hội doanh nghiệp trẻ Đồng Nai. Anh Trần Bá Dương là Chủ tịch HĐQT và anh Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đồng Nai là Giám đốc.

Anh Phạm Đức Bình cho biết: “Việc mua lại công ty Cheerfield Vina mục đích chính là để kinh doanh, bên cạnh đó mang lại cho Hội một mô hình hoạt động mới.

Bằng kinh nghiệm, vốn liếng và uy tín của anh Dương và tôi, chúng tôi tin rằng hoạt động của công ty và của Hội sẽ có hiệu quả. Đặc biệt trong các loại hình kinh doanh, chúng tôi lưu ý đến việc mua lại các công ty trên đà phá sản, nhằm khôi phục lại và tạo điều kiện cho các doanh nhân trẻ thử sức mình”.

Thoạt nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra các doanh nhân trẻ Đồng Nai đã tính toán cẩn thận khi tiếp nhận công ty gần như đã phá sản này. Công ty Cheerfield Vina có vốn điều lệ là 2 triệu USD và thực tế đã đầu tư 3,6 triệu USD, chuyên sản xuất đế giày. Do sai sót trong khâu quản lý, sau 3 năm hoạt động công ty này đã nợ khoảng 34 tỷ đồng.

Khi tiếp nhận Cheerfield Vina, công ty CPDNT phải gánh cả 4 khoản nợ: Nợ BHXH, nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ tiền thuê đất và các khoản mua  hàng. Vì vậy trước khi thực hiện vụ mua bán này, công ty CPDNT đã thoả thuận được với các chủ nợ lớn.

Phát biểu tại buổi giao dịch, ông Hakiki Suryo - Giám đốc công ty Cheerfield Vina - tỏ vẻ rất vui mừng cho biết: “Chúng tôi đã bán được công ty dù chỉ với 1 USD. Tuy đã đầu tư mấy triệu đôla, nhưng được một đồng danh dự.

Theo Luật Phá sản ở một số nước, nếu chúng tôi tuyên bố phá sản thì phải mất khoảng 7 năm không được kinh doanh. Đặc biệt nếu công ty CPDNT không mua lại thì hệ quả của việc phá sản rất lớn, nhất là đối với hàng trăm anh chị em công nhân.

Chúng tôi đã rao bán rất lâu và có 11 đối tác thăm dò, nhưng chưa ai dám mua. Trong tình hình ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi cũng không hy vọng sẽ bán được, nên khi công ty CPDNT đặt vấn đề mua, chúng tôi khá ngạc nhiên vì không ngờ các doanh nhân trẻ Việt Nam lại táo bạo và am hiểu về kinh doanh như vậy”.

Theo Duy Nhất
Báo Tiền phong