"Bài toán" dành cho 9 bộ trưởng, trưởng ngành sau phiên trả lời chất vấn

Hoài Thu

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu những nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho 9 bộ trưởng, trưởng ngành sau phiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đến thời điểm này đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi phát biểu kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 22/8.

Ông cho biết đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận và 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu.

Bài toán dành cho 9 bộ trưởng, trưởng ngành sau phiên trả lời chất vấn - 1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Hồng Phong).

Mục đích của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này, theo ông Mẫn, là đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Phiên chất vấn cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.

Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới.

Sau phiên chất vấn, ông Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm với 9 bộ trưởng, trưởng ngành vừa đăng đàn.

Với Bộ Công Thương, ông đề nghị thực hiện có hiệu quả các đề án để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng; hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia.

Bài toán dành cho 9 bộ trưởng, trưởng ngành sau phiên trả lời chất vấn - 2

Các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống người dân…

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định điều chỉnh một số lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa.

Nhiệm vụ giao cho Bộ Nội vụ là hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025…

Bộ Tư pháp cần khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Công an tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp.

Bài toán dành cho 9 bộ trưởng, trưởng ngành sau phiên trả lời chất vấn - 3

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ở phía các cơ quan tư pháp, TAND Tối cao cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, chú trọng thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc

VKSND Tối cao cần thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Xây dựng các quy trình, kỹ năng nghiệp vụ  nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.

Dẫn nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng của xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phiên chất vấn lần này cũng là góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó.