1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Bài thơ 300 triệu”: Một mong ước bình thường mà đớn đau

Cuộc chiến với bệnh tật của nhà báo Trần Đình Chính trong căn hộ tập thể bên đường Võ Thị Sáu (Hà Nội) đã không thể lặng lẽ thêm được nữa, khi anh buộc phải rao bán đứa con tinh thần của mình trên báo chí.

Bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc) vừa ra giá 300 triệu đồng đã có người mua. “Mình bán thơ, chẳng khác Lão Hạc bán chó, Chị Dậu bán con…”- Trần Đình Chính nói.

 

Ông Trần Đình Chính (bên trái) và tác giả ngày 15/1, tại nhà riêng ông Chính. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ông Trần Đình Chính (bên trái) và tác giả ngày 15/1, tại nhà riêng ông Chính. Ảnh: Cẩm Kỳ.

 

Không còn sức, thơ cũng không giữ nổi

 

Nghe tiếng giầy gõ ở cầu thang chung cư, anh ra cửa đón khách. Mắt bị lòa, giờ anh trông cậy cả vào đôi tai. Giọng anh vẫn ấm, khỏe. Nghe qua điện thoại, ít ai biết anh đang bệnh nặng. Anh thấy em không? “Có, nhưng không rõ. Chú mặc áo màu trắng”- anh trả lời.

 

Tôi đùa: Thời buổi kinh tế khó khăn vậy mà anh bán được thơ quả là đáng phục. Sao anh không bán thứ khác, mà bán thơ? “Bệnh tật ngốn mỗi tháng 12 triệu. Trước kia cơ quan trả 11 triệu/tháng, co kéo cũng đủ; Giờ mỗi tháng còn 3,6 triệu. Nhưng ngoài túng thiếu, việc mình bán thơ có cái gì đó rất lạ. Ngày trước khi còn tung hoành với nghề báo, thi thoảng đàn đúm nhậu nhẹt, hát hò. Có lần đi karaoke, mọi người chọn bài Ở hai đầu nỗi nhớ.

 

Có anh bạn đùa “bán bài này cho tôi nhé”. Mấy ngày qua, khi kinh tế gia đình sa sút, bệnh nặng hơn, không hiểu sao cái câu “bán bài này cho tôi nhé” cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Mình nghĩ, hay là bán thơ nhỉ? Mình nhờ vợ đánh máy cái tin, gửi mấy tờ báo, rao bán. Thú thật, bà xã rất băn khoăn, nhưng thấy mình không đổi ý nên cô ấy đành chiều thôi. Ai ngờ bán được thật”.

 

Rao ngày thứ Hai thì thứ Tư có người hỏi mua. Hôm đó, anh đang ăn cơm thì Tổng giám đốc Maseco Nguyễn Xuân Hàn (đơn vị sản xuất đầu đĩa karaoke Ariang) gọi điện nói muốn mua bản quyền bài thơ.

 

Hỏi bao nhiêu, anh lúng túng rồi ra giá “khoảng 300-500 triệu đồng nhé”.

 

Vị giám đốc này bảo, khả năng tài chính của công ty chỉ mua được giá 300, “sau 3 ngày nếu ai trả cao hơn thì anh cứ bán, còn không em sẽ mua”, ông Hàn nói. “Có ai biết thơ giá bao nhiêu đâu. Mình hỏi mấy người bạn họ nói thời điểm khó khăn, giá đó được rồi”.

 

Ngày 13/1/2013, tại nhà riêng anh Chính, bản quyền bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ chính thức được bán với giá 300 triệu đồng (nộp thuế 30 triệu) trước sự chứng kiến của Trung tâm quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. “Không biết xin miễn khoản thuế kia có được không?”, anh nói.

 

Ba trăm triệu, trừ thuế còn 270 chẳng thấm vào đâu so với sức ngốn tiền của những thứ bệnh anh đang mang. Anh bị tiểu đường, suy thận, suy tim, mắt lòa... Mỗi tuần thứ Hai, thứ Năm anh đến bệnh viện Việt Xô chạy thận nhân tạo. Chỉ có phẫu thuật ghép thận, ghép giác mạc thì anh mới có thể tạm ổn. Nghe nói, ghép thận là 1,2 tỷ đồng, giác mạc khoảng 500 triệu. Có khoảng 2 tỷ, may ra anh mới thay đổi được tình hình.

 

Khi cận kề cái chết

 

Anh trải qua hai lần lập gia đình. “Hạnh phúc nhất và đau đớn nhất đối với mình cũng xuất phát từ gia đình”, anh chiêm nghiệm. Anh có hai con với người vợ trước. Con gái lớn đã lập gia đình; con trai đang học đại học. Với người vợ thứ hai, anh có một đứa con gái 8 tuổi và “đang rất hạnh phúc, mãn nguyện với gia đình”.

 

Gần 40 năm gắn bó với báo Nhân dân, anh đã đi 20 nước trên thế giới. Giờ chân run, mắt mờ, anh tập đi trong căn nhà tập thể ở tầng 6 (không có thang máy) và hằng ngày vợ dắt, hoặc tự lần dò ra ngõ bắt taxi đến bệnh viện.

 

Thời trai trẻ đã ở phía sau, những kỷ niệm ngọt ngào lẫn đắng cay nhất cũng đã thành những cột mốc, lùi dần. Nhưng thật trớ trêu, khi anh tìm được hạnh phúc thì bệnh tật ập đến.

 

“Đôi ba lần cận kề cái chết, mình thấy mọi thứ danh vọng, quyền lực trở nên vô nghĩa quá. Khi khỏe, người ta làm đủ việc. Khi ốm, khi gần chết, chỉ mong được khỏe, được sống”.

 

Anh phát bệnh năm 2009 đến nay gần 4 năm, quanh quẩn ở nhà, bệnh viện, điều gì khiến anh sống cân bằng được? “Mình cân bằng được vì luôn có hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Tươi sáng đối với mình đơn giản là bệnh thuyên giảm, là thành người bình thường”.

 

Điều hài lòng nhất và là động lực lớn nhất để anh chiến đấu với bệnh tật là gia đình hiện tại. “Khi mình chả hoành tráng nổi nữa mà vợ vẫn thương, mới thấy hết cái nghĩa vợ chồng, giá trị của gia đình. Chỉ tiếc thời gian mình được hạnh phúc với gia đình, được sống là chính mình ngắn quá, có 6 năm. Thời trẻ không có hạnh phúc thì khỏe; giờ có niềm vui thì bệnh tật ập xuống. May mà các con đều ngoan, học giỏi”.

 

Thời gian lâm bệnh anh vẫn làm thơ. “Cả đời mình làm 28 bài thơ, kể cả Ở hai đầu nỗi nhớ. Mình sẽ sáng tác hai bài nữa, gom lại ra tuyển tập 30 bài lấy tên Ở hai đầu nỗi nhớ. Mình vẫn yêu bài thơ này nhất, nó gắn với nhiều kỷ niệm đẹp”.

 

Bài thơ 300 triệu và tình đầu lặng lẽ

 

Bài Ở hai đầu nỗi nhớ, anh sáng tác mùa hè 1980, chỉ sau 8 phút “lên đồng”. Bài thơ gắn với mối tình đầu. Ngày ấy cô sinh viên Văn khoa Sài Gòn đi cùng đoàn của Sở Thương nghiệp sang Campuchia giúp nước bạn xây dựng mạng lưới bán hàng.

 

Ở hai đầu nỗi nhớ

 

Có một không gian nào

Đo chiều dài nỗi nhớ?

Có khoảng mênh mông nào

Sâu thẳm hơn tình thương?

 

***

 

Anh đang ở Pai -lin *

Rừng khộp khô trong nắng

Thương em chiều mưa lạnh

Muốn gửi chút nắng hồng

 

***

 

Ở đầu này nỗi nhớ

Anh mơ về bên em

Ngôi sao như xuống thấp

Cho ta gần nhau hơn

 

***

 

Ở đầu kia nỗi nhớ

Nằm đếm tiếng mưa rơi

Đếm mấy triệu hạt rồi

Mà chưa vơi nỗi nhớ

 

Ở hai đầu nỗi nhớ

Yêu và thương sâu hơn

Ở hai đầu nỗi nhớ

Nghĩa tình đằm thắm hơn

 

Mùa hè 1980
Trần Hoài Thu

 

* Pai-lin một địa danh nằm ở biên giới Campuchia và Thái Lan

Khi đó, anh mới ngoài hai mươi cùng nhóm cán bộ của báo Nhân dân sang Campuchia giúp bạn làm tờ báo của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Hai người gặp nhau trong khi làm nhiệm vụ trên đất nước bạn.

 

“Tình yêu nảy mầm và được nuôi dưỡng từ trong những tháng ngày gian khó đó. Giữa thành phố đổ nát, hoang tàn sau nạn diệt chủng Pôn Pốt, chúng tôi đi bên nhau, thấy được sự đổi thay của mảnh đất này qua từng ngày. Điện sáng lên, nước chảy về trong những giếng nứt khô, những cọng hành tươi, những quả ớt đỏ được bày bán giữa chợ. Sự sống bắt đầu hồi sinh trên đất chết”- anh nhớ lại.

 

Mối tình ấy dang dở. “Tình đầu thường thế. Có người từng nói với mình, chuyện hai người rất đẹp, nếu thành vợ thành chồng thì tốt biết mấy. Tôi nghĩ, có sự không trọn vẹn ấy mới quý trọng những thứ mà ta đang có. Những lúc xa nhà, những lúc gặp trắc trở trong cuộc sống mình thường nhớ đến những chuyện ngày xưa. Đặc biệt khi đi công tác xa, tình cờ nghe được bài hát ấy, kỷ niệm lại ùa về. Mình nhớ mùa hè ở Phnom Penh. Nắng chói chang, khắc nghiệt, đất đai nứt nẻ. Hai bên đường có hai loại cây đặc trưng là trâm anh vàng và bằng lăng tím. Chúng tôi dạo trên con đường rải đầy xác hoa, trong lòng xốn xang bao cung bậc cảm xúc. Tình yêu khi đó trong veo. Nhiều lúc ngồi ngắm sao cứ tha thẩn gửi nỗi nhớ vào đó, nên mới có câu thơ Ngôi sao như xuống thấp/ Cho ta gần nhau hơn. Nói không sến chút nào, nhớ nặng đến nỗi sao như sà xuống thấp. Đúng là những tháng ngày không thể nào quên…”- anh thả hồn với những cảm xúc ngày xưa, còn nguyên vẹn.

 

Sau khi rao bán bài thơ, có nhiều người gọi điện, gửi quà thăm hỏi anh. “Có chị ở Mỹ đọc được thông tin bán thơ đã gửi cho tôi 100 USD. Có cụ viết bài đăng trên báo Nhân dân, lấy nhuận bút nhờ người chuyển cho tôi… Có 7 người gọi điện khẳng định sẽ chữa khỏi bệnh cho tôi. Họ gửi thuốc nam, thuốc bắc và nhiều loại thuốc khác. Mình nhận hết, mặc dù bệnh tôi điều trị rất nghiêm ngặt theo đơn. Đó là tình cảm, mình không thể từ chối”.

 

Nhiều người quan tâm, chia sẻ, vậy người trong thơ của anh thế nào? “Chúng tôi vẫn có thông tin về nhau. Nhưng đó là chuyện của một thời đã qua, cất nó làm kỷ niệm thôi”- anh nói.

 

Trần Đình Chính yêu bài thơ này vì nhiều nhẽ. Chẳng thế mà bài thơ đề tên tác giả là Trần Hoài Thu (chứ không phải Trần Đình Chính). Hai năm sau khi bài thơ ra đời, 1982, anh lấy bút danh này đặt tên cho con gái Trần Hoài Thu!

 

Bán thơ, bán cả mối tình đầu, bán cả thời trai trẻ đẹp nhất- anh có buồn không? “Buồn lắm. Tình cảnh mình chưa đến mức như thế, nhưng bán thơ chẳng khác nào Lão Hạc bán chó, chị Dậu bán con... Mong ước lớn nhất của anh là gì em biết không? Anh muốn mắt sáng ra, sức khỏe ổn một chút để làm thơ, yêu thương các con và người vợ hiền”, anh nói như khóc.

 

Cả đời ngang dọc, ở tuổi 58 nhà báo Trần Đình Chính mong ước bình thường đến đau đớn.

 

Theo Lê Anh Đạt

Tiền Phong