Bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc: Cần giám sát đại biểu Quốc hội như công chức!
(Dân trí) - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh phân tích, nếu đại biểu được giám sát thường xuyên, việc có 2 quốc tịch của ông Phạm Phú Quốc đã được phát hiện sớm 2 năm…
Ông Nguyễn Tuấn Anh hiện là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Bình Phước, trao đổi với báo chí xung quanh việc Quốc hội thực hiện quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV với ông Phạm Phú Quốc.
+ Chiều 2/11, Quốc hội có phiên họp các đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến, thảo luận về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc do phát hiện vị này có 2 quốc tịch. Cùng với trường hợp ông Phạm Phú Quốc, tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XIV đến nay, Quốc hội đã “rơi rụng” hơn 10 đại biểu, trong đó có nhiều trường hợp do vi phạm, không còn tín nhiệm của cử tri, không xứng đáng với tư cách đại biểu Quốc hội. Là một lãnh đạo trong Ban Công tác đại biểu, hẳn ông cũng suy nghĩ nhiều về việc này?
- Vấn đề này không chỉ một mà rất nhiều đại biểu trăn trở. Đi tiếp xúc cử tri, cử tri cũng nói nhiều. Sự thật là 14 nhiệm kỳ Quốc hội đã qua, chưa khóa nào số lượng đại biểu qua đời trong thời gian giữa nhiệm kỳ cũng như người bị thôi giữ chức vụ, thậm chí có người còn bị truy tố, kết án bởi pháp luật nhiều như khóa XIV này. Đến nay, thêm một đại biểu nữa phải xem xét bãi nhiệm là điều không ai mong muốn. Đặc biệt, những người làm công tác tham mưu nhân sự tại Quốc hội, chúng tôi rất trăn trở.
+ Từ hiện tượng này có thể nhận định gì về chất lượng đại biểu Quốc hội khoá XIV?
- Tôi xin khẳng định tất cả 494 đại biểu trúng cử quốc hội khoá XIV, được công nhận tư cách đại biểu (đầu nhiệm kỳ có 2 người trúng cử nhưng không được công nhận – PV) đều là những người đủ điều kiện làm đại biểu Quốc hội, đã được thẩm tra và xác nhận đủ tư cách đại biểu Quốc hội khi đó. Sở dĩ có những đại biểu bị thôi nhiệm vụ, phải miễn nhiệm hoặc đương nhiên mất quyền đại biểu phát sinh trong thời gian giữa nhiệm kỳ là do quá trình thẩm tra ban đầu chưa phát hiện được vi phạm.
Những hiện tượng đó, ví dụ như với đại biểu phạm Phú Quốc, đến giờ các cơ quan chức năng mới phát hiện ra việc vị này có 2 quốc tịch. Đó là điều không ai mong muốn, là việc bất khả kháng và cũng là bài học với chúng tôi. Những đơn vị liên quan, trong thời gian tới phải làm thế nào tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia có những hướng dẫn cụ thể để tránh được những hiện tượng như khoá này, để không còn những đại biểu phải bãi nhiệm, miễn nhiệm do không còn uy tín với cử tri hoặc đương nhiên mất tư cách đại biểu do vi phạm pháp luật.
+ Nói như vậy, dường như hiện nay quy định pháp luật vẫn còn những kẽ hở dẫn đến việc chọn phải nhiều người không xứng đáng vào Quốc hội. Trường hợp những đại biểu có vi phạm, không còn uy tín với cử tri như bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Hồ Văn Năm, Võ Kim Cự rõ ràng diễn ra trong thời gian khá dài. Rồi việc của ông Phạm Phú Quốc, nếu không có những thông tin được công bố trên báo chí nước ngoài thì một người không đủ tư cách sẽ cứ thế tiếp tục ngồi ghế đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ?
- Đúng là phải đặt ra vấn đề chọn người thế nào cho chuẩn hơn và ngay cả trong quá trình làm đại biểu rồi cũng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc này.
Như trường hợp đại biểu Phạm Phú Quốc, nếu chúng ta tiến hành đánh giá hàng năm thì qua đánh giá đó, từ năm 2018 đã có thể xác định được việc đại biểu có 2 quốc tịch. Như vậy thì quốc hội đỡ phải xem xét thông qua kênh báo chí phản ánh mà đã chủ động việc bãi nhiệm, miễn nhiệm từ khi đó.
+ Đây có thể hiểu chính là một lỗ hổng pháp luật cần bịt lại, thưa ông?
- Nói là lỗ hổng pháp luật thì cũng chưa hoàn toàn đúng nhưng có lẽ nên xem đây là hồi chuông cảnh tỉnh khi chúng chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới.
+ Như ông nói thì quy trình bầu cử đã chọn ra được những người trúng cử đảm bảo tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội. Những vi phạm phát hiện là trong quá trình hoạt động trong nhiệm kỳ. Nếu không có quy trình giám sát thường xuyên như ông nói vì hiện tượng “rơi rụng” đại biểu như nhiệm kỳ này vẫn khó khắc phục?
- Quan trọng là mỗi đại biểu Quốc hội phải tự gương mẫu, để có tiếng nói uy tín với cử tri thì từ lời ăn tiếng nói, sinh hoạt của bản thân và gia đình đều phải “chuẩn”. Còn đến giờ, tôi khẳng định không có kẽ hở pháp luật, quy định gì trong quá trình bầu cử quốc hội khoá XIV. Quy trình bầu cử cũng chưa thể điều chỉnh, thay đổi.
Vấn đề thay đổi quy trình này phải trải qua cả quá trình, chưa thể thay đổi được. Trước tiên, cuộc bầu cử phải thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị. Mới Bộ Chính trị đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có đánh giá, tổng hợp các vấn đề, nêu nguyên nhân của những kết quả tích cực và những điểm hạn chế, có cả chỉ đạo về hướng rút kinh nghiệm trong các khâu, như tiêu chí lựa chọn đại biểu Quốc hội cho Khoá XV.
Tinh thần chung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng quán triệt, không vì cơ cấu, số lượng mà bỏ qua chất lượng đại biểu. Ban Công tác đại biểu cũng căn cứ vào đó để có những tham mưu phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch bầu cử khoá tới thật chi tiết, làm sao để Quốc hội khoá XV đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước.