1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bài học từ Nhật Bản về giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất

(Dân trí) - Sáng nay (9/11), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế "Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất" do Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT phối hợp Cục quản lý nguồn nước, Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Quang cảnh cuộc Hội thảo...
Quang cảnh cuộc Hội thảo...

Mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Thống kê giai đoạn 2007-2017 cho thấy, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra chỉ đứng sau bão và lũ lụt. Từ năm 2000 đến năm 2016 Việt Nam xuất hiện hơn 250 trận lũ quét, sạt lở đất làm chết và mất tích 779 người, 426 người bị thương.

Diễn biến phức tạp, trái quy luật của thiên tai cộng thêm tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý như: xây dựng những công trình ven biển, lấn biển là những nguyên nhân được các đại biểu nhận định làm gia tăng rủi ro thiên tai. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là quy hoạch di dân, tái định cư người dân những vùng có nguy cơ cao….

Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, bên cạnh thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó thiên tai phải lồng ghép áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, việc áp dụng những công trình như đập Sabo: loại đập nhỏ ngăn đất đá trôi xuống hạ du mỗi khi xảy ra lũ ống, lũ quét mà Nhật Bản đang áp dụng có thể giải quyết những rủi ro do lũ quét, sạt lở đất gây ra ở Việt Nam.

Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội thảo.

Việt Nam và Nhật Bản có 2 nền kinh tế khác nhau nhưng Nhật Bản cũng không chỉ đầu tư những công trình đắt tiền quy mô lớn mà song song đó Nhật bản đầu tư những công trình phù hợp, kể cả những công trình người dân có thể tham gia đầu tư. Đây là bài học kinh nghiệm tốt về việc đầu tư vừa tiết kiệm được nguồn lực đáp ứng được mục tiêu lâu dài và hiệu quả.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm ứng phó lũ quét sạt lở đất, ông Hirotada Matsuki - Vụ trưởng Các vấn đề quốc tế, Tổng cục quản lý thiên tai và nguồn nước Nhật Bản cho biết: Hiện nay về công nghệ dự báo lượng mưa của Việt Nam và Nhật Bản cũng khá phát triển, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào chúng ta có thể thu thập được dữ liệu nhiều hơn nữa, nhất là những dữ liệu về mực nước, đặc biệt là mực nước ở những khu vực thượng nguồn. Trên cơ sở này thì hoạt động dự báo sẽ chính xác để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ về những công cụ giám sát và thiết bị truyền dữ liệu trong trường hợp thiên tai liên quan đến nước; thiết bị giám sát và nâng cấp hệ thống thông tin lưu vực sông.

Nguyễn Dương