Phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn:
Bài cuối: Tạo việc làm, giữ chân người trẻ
(Dân trí) - Bên cạnh tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thì một trong những biện pháp tiên quyết để phát triển đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn là giữ chân được người trẻ. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách hợp lý cho đảng viên trẻ nông thôn đi làm ăn xa hay đi XKLĐ ngoài nước.
Tạo việc làm – vấn đề tiên quyết trong giữ nguồn phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn
Xác định phát triển đảng viên ở các chi bộ nông thôn là vấn đề sống còn, từ năm 2016, Huyện ủy Nghi Lộc (Nghi Lộc) đã ban hành Nghị quyết 01-NĐ/HU về tăng cường phát triển đảng viên ở các chi bộ nông thôn. Từ Nghị quyết này, nhiều Nghị quyết chuyên đề cũng đã được triển khai với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Sau 2 năm triển khai, Nghi Lộc đã đạt được những kết quả hết sức khả quan trong công tác phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn. Từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2018, các Đảng bộ khối nông thôn huyện Nghi Lộc đã kết nạp được 572 đảng viên mới, trong đó đảng viên được kết nạp ở các chi bộ nông thôn là 386 đồng chí, chiếm tỉ lệ 67,6%. Trong số 386 đảng viên được kết nạp ở các chi bộ nông thôn có 102 đảng viên nam, 284 đảng viên nữ, độ tuổi bình quân của đảng viên mới được kết nạp là 27 tuổi.
Thuận lợi của Nghi Lộc so với các địa phương khác chính là ở chỗ trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trước đây, thanh niên nông thôn thường phải đi xa mới kiếm được việc làm thì hiện nay, họ có công việc với thu nhập ổn định ngay trên quê hương mình. Do vậy các địa phương trong huyện không còn phải đối mặt với tình trạng người trẻ rời quê đi làm ăn xa, các tổ chức Đoàn thanh niên cũng duy trì được hoạt động, từ đó phát hiện, bồi dưỡng nguồn đảng viên trẻ cho các chi bộ.
Ông Hồ Phúc Hợp - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An: Để giữ chân người trẻ, cần phải tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, tích tụ ruộng đất, hình thành những mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn để thu hút lực lượng trẻ tham gia sản xuất.
Xác định tạo việc làm là biện pháp cực kỳ quan trọng nhưng huyện Hưng Nguyên vẫn đang loay hoay chọn hướng đi cho mình. Địa bàn giáp ranh thành phố là 1 thuận lợi nhưng ở các xã xa trung tâm, người dân không có nghề phụ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất canh tác ngày càng bị thu hẹp lại bởi quá trình đô thị hóa nên phát triển kinh tế, tạo việc làm như thế nào để phù hợp với đặc thù địa phương là điều lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đang hết sức trăn trở. Trong khi đó, nếu không sớm có giải pháp, tình trạng "chảy máu" lao động sẽ xảy ra gay gắt hơn, do vậy, nguồn phát triển Đảng cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn trước.
Để tạo điều kiện tốt nhất, giữ chân người trẻ ở lại quê hương, theo ông Hồ Phúc Hợp – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, cần phải tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
“Cần phải tính đến phương án tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình phát triển kinh tế có quy mô theo hình thức liên gia, liên xóm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chọn cây – con phù hợp, có giá trị kinh tế để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Sản xuất – cung ứng – tiêu thụ sản phẩm phải hình thành theo chuỗi khép kín để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tính đến phương án đưa ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp... gắn với xây dựng nông thôn mới vào kế hoạch phát triển kinh tế của mình.
Khi thấy được hiệu quả kinh tế ngay trên quê hương, người trẻ sẽ bám trụ, gắn bó với làng quê thay vì đi làm ăn xa, từ đó mới có thể tìm được các nhân tố tốt để bồi dưỡng, kết nạp Đảng”, ông Hồ Phúc Hợp cho biết.
Cần có cơ chế đặc thù cho đảng viên trẻ đi làm ăn xa
Tạo việc làm tại chỗ, có chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế là biện pháp then chốt trong việc giữ nguồn kế cận cho tổ chức Đảng ở nông thôn. Tuy nhiên, nhiều địa phương đặc thù, người dân không có nghề phụ truyền thống, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khó phát triển kinh tế…
Bên cạnh việc khó tìm nguồn thì hiện nay, nhiều chi bộ nông thôn đang phải đối mặt với tình trạng đảng viên trẻ thoát ly đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Cuối tháng 5/2019, Đảng bộ xã Hưng Lợi kết nạp được 2 đảng viên mới nhưng cũng phải đề xuất xóa tên 3 đảng viên trẻ đi xuất khẩu lao động ngoài nước ra khỏi danh sách đảng viên. Còn tại huyện Nam Đàn, theo thống kê, hàng năm có 12 đảng viên bị đề nghị xóa tên do đi xuất khẩu lao động, không tham gia sinh hoạt tại chi bộ.
Lễ kết nạp đảng viên mới ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) - ảnh Lê Thanh.
“Kết nạp đảng viên trẻ đã khó, giữ được họ càng khó hơn. Đi làm ăn, phát triển kinh tế là nhu cầu chính đáng của mỗi người, không thể vì để giữ chân đảng viên mà ngăn cản họ được. Trong khi đó, việc chuyển sinh hoạt Đảng ra các Đảng bộ của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước rất phức tạp, khoảng cách vị trí địa lý xa, nếu chuyển được cũng khó duy trì sinh hoạt Đảng định kỳ.
Theo quy định, đảng viên không tham gia sinh hoạt, đóng đảng phí 3 tháng/năm sẽ bị đề nghị xóa tên ra khỏi Đảng. Do vậy, dù rất tiếc, nhưng chúng tôi không thể làm khác được”, bà Hoàng Thị Thanh Nghĩa – chuyên viên phụ trách phát triển Đảng, Huyện ủy Nam Đàn cho biết.
Những đảng viên đi xuất khẩu lao động ngoài nước được đánh giá là người có năng lực, trình độ, có ý chí. Tuy nhiên, do những khó khăn mang tính đặc thù, các chi bộ nông thôn đành ngậm ngùi khi để mất những đảng viên này. Nhiều địa phương đã đề xuất có chính sách riêng để giữ lực lượng này như tạm miễn sinh hoạt Đảng trong thời gian hợp đồng lao động. Khi lao động trở về sẽ được tổ chức “sát hạch” lại để tiếp tục sinh hoạt.
“Với lực lượng này, Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã có đề nghị lên Trung ương để có phương án giải quyết. Các đảng viên khi ra nước ngoài lao động, vẫn tha thiết gắn bó với tổ chức Đảng sẽ phải viết cam kết tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng lao động, luôn luôn giữ ý thức Đảng, giữ phẩm chất, vai trò của người đảng viên, gửi tiền đóng đảng phí hàng tháng; tất cả các tài liệu, nghị quyết… của chi bộ sẽ được nhận thông qua người thân gửi để học tập, nghiên cứu, khi hết thời hạn lao động trở về có thể đáp ứng yêu cầu sát hạch, kiểm tra lại của chi bộ. Tuy nhiên đề nghị của Nghệ An chưa được Trung ương chấp thuận vì nội dung này chưa được quy định trong Điều lệ Đảng”, ông Hồ Phúc Hợp - Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cho hay.
Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trực tuyến hiện chưa thể triển khai do nhiều vấn đề về kỹ thuật đường truyền, kinh phí thực hiện. Bởi vậy, để giữ bộ phận đảng viên đi làm ăn xa trong nước, hiện tại, Tỉnh ủy Nghệ An đang thực hiện chính sách miễn sinh hoạt Đảng 3 tháng đối với lao động thời vụ. Số đảng viên này phải được thẩm tra về tư tưởng, đạo đức, lối sống sau thời gian miễn sinh hoạt và hoàn thành nghĩa vụ của người đảng viên trong thời gian được miễn sinh hoạt.
Với các đảng viên đi làm ăn xa trong thời gian quá 3 tháng, có địa chỉ cư trú rõ ràng, chi bộ sẽ có trách nhiệm giới thiệu để đảng viên sinh hoạt tạm tại chi bộ nơi ở mới. Hàng tháng, các đảng viên này sẽ được gửi tài liệu học tập, Nghị quyết và tham gia đóng góp ý kiến cũng như đảng phí cho chi bộ ở nhà. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều Chi bộ, Đảng bộ nông thôn không bị “chảy máu” đảng viên trẻ về mặt số lượng.
"Những khó khăn trong việc giữ đảng viên trẻ nông thôn đi làm ăn xa vẫn đang được các cấp ủy Đảng nghiên cứu tháo gỡ. Vấn đề quan trọng nhất là các đảng viên đi làm ăn xa phải giữ được chất máu lửa, nhiệt huyết và tha thiết gắn bó với Đảng", ông Hồ Phúc Hợp nhấn mạnh.
Hoàng Lam