Phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn:

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ

(Dân trí) - Thiếu nguồn, khó kết nạp nhưng không vì sức ép chỉ tiêu mà kết nạp ẩu, kết nạp người chưa đủ điều kiện vào tổ chức Đảng. Đây là quan điểm xuyên suốt mà các tổ chức cơ sở Đảng nông thôn ở Nghệ An đang bám sát để nâng cao số lượng, chất lượng, gắn với sàng lọc đảng viên ở đơn vị mình.

Đa dạng hoạt động Đoàn, tạo điều kiện cho người trẻ cống hiến

Phát triển đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn đang là trăn trở lớn của những người làm công tác Đảng ở huyện Nam Đàn. “Hàng năm, Huyện ủy đề ra chỉ tiêu phát triển đảng viên cụ thể, từ đó, phân công về chi bộ/chi hội nông thôn mỗi năm giới thiệu, kết nạp 1 quần chúng vào Đảng. Chỉ tiêu này được đưa vào kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm của Huyện ủy. Đơn vị nào không đạt sẽ bị gợi ý kiểm điểm và trên thực tế kiểm điểm rất nghiêm túc. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40% đơn vị đạt được chỉ tiêu.

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ - 1

Các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên, đặc biệt là các tổ chức Đoàn cơ sở ở nông thôn đang ngày càng thực chất, có trọng tâm, trọng điểm.

Việc kết nạp đảng viên khó, kết nạp đảng viên trẻ từ tổ chức Đoàn lại khó hơn vì thiếu nguồn. Hiện, người trẻ có trình độ, có bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng đều thoát ly đi làm ăn xa hoặc vào các cơ quan, đơn vị nhà nước; ở nhà thì nhiều người không đủ điều kiện để kết nạp”, bà Hoàng Thị Thanh Nghĩa – chuyên viên phụ trách công tác phát triển Đảng, Huyện ủy Nam Đàn cho biết.

Tại xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên), vào thời điểm cuối nhiệm kỳ trước, tình trạng già hóa Đảng viên diễn ra khá gay gắt với độ tuổi trung bình của Đảng viên trong toàn xã là 65 tuổi. Khi nhiệm kỳ mới chính thức bắt đầu, phát triển lực lượng đảng viên trẻ, vực lại các phong trào thi đua được xác định là nhiệm vụ then chốt của Đảng ủy, các tổ chức chính trị xã hội và các chi bộ. Trong đó, nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng trẻ ưu tú, đủ phẩm chất, có bản lĩnh chính trị vững vàng và quan trọng là hiểu, nhận thức đúng về tổ chức Đảng, tha thiết đứng vào hàng ngũ của Đảng được giao cho tổ chức Đoàn thanh niên xã.

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ - 2

Bà Phan Thị Thơ - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An): Lực lượng đảng viên trẻ sẽ là đóng góp quan trọng cho địa phương trên mọi mặt về chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh trật tự…

Cũng như nhiều địa phương khác, Hưng Lợi cũng phải đối mặt với tình trạng người trẻ rời quê hương đi làm ăn. Tuy nhiên, đây là địa bàn giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên và TP Vinh nên lao động trẻ có nhiều lựa chọn việc làm hơn. Thay vì vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp, nhiều lao động trẻ Hưng Lợi tìm cơ hội việc làm ở TP Vinh. Với khoảng cách trên dưới 10 cây số, lao động có thể đi về trong ngày.

Để tập hợp được lực lượng này tham gia vào các hoạt động phong trào ở địa phương từ đó phát hiện, bồi dưỡng những “hạt giống” kết nạp vào hàng ngũ Đảng, ngoài việc đa dạng các hoạt động, Ban Thường vụ Đoàn xã Hưng Lợi quyết định chuyển các buổi họp, sinh hoạt đoàn thường kỳ vào buổi tối hoặc cuối tuần để tất cả đoàn viên, thanh niên có thể tham gia.

Sự linh hoạt trong tổ chức đã thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên, từ đó, Đoàn có điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng. 6 tháng đầu năm 2019, Đảng ủy Hưng Lợi kết nạp được 16 đảng viên thì có tới 9 đảng viên do Đoàn thanh niên giới thiệu. Hiện có 6 đối tượng bồi dưỡng cảm tình Đảng cũng là những đoàn viên ưu tú tại các chi đoàn nông thôn.

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ - 3
Để tạo điều kiện tối đa cho đoàn viên, thanh niên, nhiều chi đoàn nông thôn ở Nghệ An đã chuyển các buổi hội họp, sinh hoạt thường kì vào ban đêm.

“Trong nhiệm kỳ tới, với sự bổ sung lực lượng đảng viên trẻ từ các chi bộ, chắc chắn độ tuổi đảng viên sẽ được trẻ hóa. Lực lượng đảng viên trẻ sẽ là đóng góp quan trọng cho địa phương trên mọi mặt về chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh trật tự…”, bà Phan Thị Thơ – Bí thư Đảng ủy Hưng Lợi hồ hởi.

Đổi mới, đa dạng các hình thức hoạt động và hướng tới hoạt động có chiều sâu cũng là một trong những biện pháp mà Tỉnh Đoàn Nghệ An đang triển khai nhằm thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên, từ đó phát hiện những nhân tố điển hình giới thiệu, bồi dưỡng vào tổ chức Đảng.

“Phát triển kinh tế là nguyện vọng chính đáng của người trẻ, bên cạnh đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, chúng tôi đang nỗ lực cố gắng thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động, tập hợp đoàn viên thanh niên ở nông thôn vào các tổ chức Đoàn cơ sở.

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ - 4
Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn đang xét duyệt hồ sơ kết nạp Đảng được gửi lên từ cơ sở.

Đối với những chi đoàn ít đoàn viên, sẽ tổ chức sinh hoạt theo hình thức liên chi đoàn. Những vùng đặc thù như miền biển, việc sinh hoạt, hội họp Đoàn sẽ tổ chức theo tuần trăng, đó là thời điểm các ngư dân không ra khơi để đảm bảo về mặt thời gian và tạo điều kiện tốt nhất để mỗi đoàn viên, thanh niên đều được tham gia hoạt động, đóng góp ý kiến và sinh hoạt Đoàn”, ông Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết.

Nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn kế cận

Xã Xuân Lâm được Huyện ủy Nam Đàn đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Đảng ủy xã đã kết nạp được 8 đảng viên mới, trong đó có 3 đảng viên do tổ chức Đoàn giới thiệu. Hiện đang làm hồ sơ kết nạp thêm 4 đảng viên trẻ.

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ - 5

Ông Hoàng Nghĩa Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm (Nam Đàn, Nghệ An): Thành lập tổ rà soát, kiểm tra các chi đoàn, chi hội để tìm, sàng lọc đối tượng đủ điều kiện bồi dưỡng đứng vào hàng ngũ Đảng.

“Chúng tôi đã thành lập tổ rà soát, kiểm tra các tổ chức chi đoàn, chi hội ở từng thôn xóm để tìm, sàng lọc đối tượng đủ điều kiện bồi dưỡng đứng vào hàng ngũ Đảng. Bên cạnh đó, tranh thủ những cháu vừa tốt nghiệp đại học, đang trong thời gian chờ xin việc, vận động các cháu tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương và bồi dưỡng vào Đảng. Cách này giúp đảm bảo được chỉ tiêu trên giao nhưng khi các cháu xin được việc làm thì cũng phải chuyển sinh hoạt Đảng đến cơ quan, đơn vị mới”, ông Hoàng Nghĩa Thanh – Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm cho hay.

Bên cạnh đó, xác định việc phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn là nhiệm vụ sống còn, các cấp ủy Đảng, các chi bộ đều có sự phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đảng viên trong việc phát hiện, bồi dưỡng thanh niên.

“Muốn làm được điều đó, bản thân mỗi đảng viên phải thực sự là một tấm gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Mỗi đảng viên phải tự ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận cho Đảng, phải thực sự nhiệt huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ và sâu sát với quần chúng”, ông Nguyễn Ngọc Biên – Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc (Nghệ An) chia sẻ.

Bài 3: So bó đũa, chọn cột cờ - 6

Ông Nguyễn Ngọc Biên - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc: Muốn phát triển được đội ngũ đảng viên trẻ, bản thân mỗi đảng viên trong từng chi bộ phải thực sự là một tấm gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Việc phát triển đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn được đánh giá là một trong những nhiệm vụ khó khăn của Đảng bộ các huyện, cấp ủy các địa phương. Tuy nhiên, xác định phát triển đi đôi với sàng lọc, chất lượng nguồn và lực lượng đảng viên trẻ được các địa phương đưa lên hàng đầu thay vì chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tráng – Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Nguyên, nhấn mạnh: “Dù khó đạt được chỉ tiêu về tỉ lệ độ tuổi trong phát triển Đảng ở chi bộ nông thôn nhưng chúng tôi kiên quyết loại bỏ các đối tượng chưa xác định được mục tiêu, lý tưởng, chưa có động cơ vào Đảng trong sáng, lập trường không vững vàng. Thà ít nhưng đảm bảo chất lượng để những đảng viên trẻ này đủ sức gánh vác trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, tổ chức và nhân dân giao phó chứ không vì áp lực chỉ tiêu trên giao mà chạy theo số lượng, ảnh hưởng đến chất lượng đảng viên và hoạt động của Đảng”.

Hoàng Lam

(Còn nữa)