Bài 2 : Phát triển đảng viên trẻ ở nông thôn - Khó, vì đâu?
(Dân trí) - Thiếu phong trào hoạt động có chiều sâu, thiếu các mô hình phát triển kinh tế có quy mô đủ lớn để thu hút người trẻ ở lại quê hương chính là nguyên nhân khiến việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn kế cận cho các tổ chức Đảng ở nông thôn hết sức khó khăn. Những người có trách nhiệm ở Nghệ An không khỏi lo lắng bởi 10 năm, 20 năm nữa, tổ chức Đảng ở nông thôn sẽ như thế nào khi “tre đã già nhưng măng chưa mọc”.
Xã Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) diện tích nhỏ hẹp, toàn xã chỉ hơn 1.800 nhân khẩu, chủ yếu là làm nông nghiệp, địa phương không có nghề phụ truyền thống nào khác. Người dân Hưng Khánh lớn lên, không thể bám mãi vào mấy thước ruộng mà mỗi mùa tháng 8 về, nước ngập băng đồng bãi nên nhiều người chọn con đường thoát ly. Người vào miền Nam làm thuê, người xuống TP Vinh tìm việc. Ở nhiều thời điểm, các xóm vắng bóng người trẻ, nhiều phong trào hoạt động bề nổi khó triển khai.
“Thanh niên rời quê đi làm ăn xa, đi học đại học, đi học nghề, đi xuất khẩu lao động, số ở nhà thì lập gia đình rồi cũng không còn mặn mà với hoạt động phong trào địa phương hoặc sẽ chuyển sang sinh hoạt ở Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người trẻ sinh hoạt ở địa phương chưa có chí hướng phấn đấu vào Đảng một cách rõ ràng. Bởi vậy, việc phát hiện nhân tố tốt, đủ điều kiện để bồi dưỡng vào Đảng từ lực lượng trẻ rất khó khăn”, ông Đậu Sỹ Quý – Quyền Bí thư Đảng ủy xã Hưng Khánh bộc bạch.
Không có nguồn, hoặc không hội tụ được các phẩm chất, tiêu chuẩn cần có khiến việc tìm kiếm người trẻ đủ điều kiện để kết nạp vào Đảng ở nhiều địa phương luôn trong tình trạng “đốt đuốc tìm người”.
Ông Đậu Sỹ Quý - Quyền Bí thư Đảng ủy xã Hưng Khánh: Các chi bộ nông thôn gần như phải "đốt đuốc tìm người" để phát triển nguồn kế cận.
“Nghị quyết của Huyện ủy, của Đảng ủy xã là mỗi chi bộ, chi hội mỗi năm phải giới thiệu, bồi dưỡng một đảng viên. Thế nhưng trên thực tế, những người đứng đầu chi đoàn, chi hội không phải là đảng viên, thậm chí một số chi đoàn hiện không có bí thư mà do cán bộ xóm kiêm nhiệm hoạt động thì việc vận động, tìm nguồn phát triển Đảng hết sức khó”, ông Hoàng Nghĩa Thanh – Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho hay về tình trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên trẻ ở địa phương.
Trên thực tế, ở nhiều khu vực nông thôn, tổ chức Đoàn cơ sở thiếu cả con người, cơ sở vật chất cũng như kinh phí hoạt động. Nghiên cứu chưa đầy đủ cho thấy, ở Nghệ An, số thanh niên trong độ tuổi Đoàn đi làm ăn xa có nơi chiếm đến trên 70%, người trẻ bám trụ với quê hương rất ít, những thanh niên khác khi đã dựng vợ, gả chồng coi như đã “trưởng thành Đoàn”.
Như ở Chi đoàn xóm 1, xã Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sau 10 năm mới kết nạp được một đảng viên được giới thiệu, bồi dưỡng từ tổ chức Đoàn. Gọi là đảng viên trẻ nhưng Hoàng Văn Hiệp năm nay cũng đã 35 tuổi, đã quá tuổi trưởng thành Đoàn.
Sau Hiệp, Chi đoàn cũng không biết giới thiệu ai đi học cảm tình Đảng bởi không có người. Vừa rồi, kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, Chi đoàn xóm 1 được “bổ sung” một số đoàn viên từ trường học trở về nhưng sau mùa tuyển sinh, khả năng cao thì Chi đoàn xóm 1 cũng chỉ còn mỗi Bí thư Hiệp!
Thiếu người, phụ cấp thấp (330 nghìn đồng 1 tháng đối với Bí thư chi đoàn), công việc “vác tù và hàng tổng” lại nhiều, ở một số địa phương đã xảy ra nguy cơ “trắng” tổ chức Đoàn hoặc khuyết các thành viên Ban chấp hành chi đoàn. Để duy trì tổ chức, hoạt động Đoàn nhiều thôn, xóm phải vận động đoàn viên trường học, cán bộ bán chuyên trách, công an viên xã hoặc trưởng xóm, thậm chí Bí thư Chi bộ kiêm Bí thư Chi đoàn các thôn, xóm.
Không có lực lượng nên nhiều chi đoàn ở nông thôn chỉ tập trung hoạt động vào dịp Hè hoặc Tết khi học sinh được nghỉ. Hoạt động của chi đoàn cũng chủ yếu xoay quanh các phần việc bề nổi như: vệ sinh môi trường, xây dựng công trình nhỏ, giao lưu văn hóa, văn nghệ…
“Nhiều phong trào ở địa phương không có sức hút đối với thanh niên hoặc thiếu phong trào cho người trẻ tham gia hoạt động, cống hiến. Thiếu những mô hình phát triển kinh tế có quy mô đủ lớn để thu hút người trẻ ở lại quê hương. Trên thực tế, nhiều phong trào phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp ở các địa phương đang còn nhỏ lẻ, manh mún, đối diện với nhiều rủi ro và thiếu bền vững do chưa có sự liên kết trong chuỗi sản xuất”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Phúc Hợp chỉ rõ.
Thiếu nguồn phát triển nên trước áp lực chỉ tiêu, không hiếm chi bộ đưa những người không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo đứng vào hàng ngũ Đảng, gây ra không ít hệ lụy bởi có đảng viên còn yếu hơn cả quần chúng. Làm thế nào để phát triển đảng viên trẻ, đảm bảo cả về chất và lượng đang là yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn Nghệ An hiện nay.
Hoàng Lam
(Còn nữa)