Bài 3: Sắp xếp cán bộ sau sáp nhập: Cần "bà đỡ" để hoàn thành đúng lộ trình
(Dân trí) - Sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, phải đảm bảo sự nhân văn trong giải quyết. Nếu không có chính sách đủ mạnh sẽ khó đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đề ra.
Nhiều vấn đề phải giải quyết "hậu" sáp nhập
Đến thời điểm này, Nghệ An đã hoàn thành Đề án sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, giải quyết những khó khăn, vướng mắc sau sáp nhập như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế vừa thừa vừa thiếu; các thiết chế văn hóa tại các khối, xóm không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới khi quy mô dân số và diện tích tăng cao; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức dôi dư... đang đặt ra nhiều bài toán buộc Đảng bộ và chính quyền các địa phương phải giải quyết.
Vấn đề giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sáp nhập được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn, nặng nề. Trong khi đó, Chính phủ chưa có văn bản nào quy định một cơ chế đặc thù để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau khi sắp xếp (ngoài những chính sách hiện có). Nếu những cán bộ, công chức này không được sắp xếp, bố trí phù hợp sẽ không tránh khỏi sự băn khoăn, xáo trộn tâm lý.
Để giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ, công chức sau sáp nhập, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp như điều chuyển, ban hành cơ chế khuyến khích nghỉ hưởng chế độ; tạm dừng tiếp nhận, bổ nhiệm. Tuy nhiên, các chính sách hiện này là Nghị quyết hỗ trợ từ ngân sách của địa phương, không thể điều chỉnh được những quy định của Luật và Nghị định của Chính phủ. Do vậy, chưa thực sự tác động tích cực đến số cán bộ, công chức ở các địa phương sáp nhập.
Còn 2 năm nữa, ông Phạm Văn Phượng (SN 1961) là công chức địa chính nông nghiệp xã Nam Trung mới đủ tuổi nghỉ hưu. Khi xã Nam Trung sáp nhập với 2 xã Nam Cường, Nam Phúc hình thành xã Trung Phúc Cường được 3 tháng, ông Phượng viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, dù rằng thời điểm đó ông còn thiếu gần 5 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu.
“Tôi nghĩ mình cũng có tuổi rồi, trình độ mới trung cấp, xin nghỉ để anh em trẻ tuổi có cơ hội cống hiến”, ông Phượng cho biết.
Mới đây, người đàn ông này nhận được 108 triệu đồng tiền hỗ trợ. Ông phải trích 75 triệu đồng để đóng bù số năm BHXH còn thiếu để hưởng lương hưu. Vừa rồi, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cán bộ công chức xin nghỉ việc tại các đơn vị sáp nhập, ông Phượng cũng phấn khởi hơn với quyết định “hưu non” của mình.
“Hiện không có nhiều cán bộ, công chức, đặc biệt là người trẻ tuổi xin nghỉ để hưởng chế độ hỗ trợ. Nhiều trường hợp xin nghỉ trước tuổi là do không còn đủ tuổi để “quy hoạch” cho nhiệm kỳ tới”, một lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho hay.
Cần chính sách đủ mạnh!
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, giải quyết bài toán dôi dư cán bộ, công chức sau sáp nhập xã là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Dù khó khăn, Nghệ An sẽ thực hiện đúng lộ trình là giảm dần công chức đúng theo quy định của Nghị định 34; mục tiêu đến hết năm 2025 giải quyết xong những trường hợp cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã.
Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho rằng việc bố trí cấp trưởng sau sáp nhập xuống làm cấp phó nhưng vẫn hưởng lương như cũ thì về bản chất vẫn không phải là giảm biên chế. Do vậy cần một chính sách đủ mạnh để đội ngũ cán bộ thuộc diện dôi dư sau sáp nhập cảm thấy Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho họ để yên tâm nghỉ việc hoặc chuyển sang một công việc mới.
Điều chuyển cán bộ công chức từ các xã thực hiện sáp nhập lên huyện hay sang các xã đang thiếu định biên là một trong những giải pháp giải quyết bài toán dôi dư của Nghệ An. Tuy nhiên giải pháp này còn phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế được giao, vị trí việc làm, trình độ chuyên môn được đào tạo. Mặt khác theo quy định hiện hành số cán bộ này sẽ phải trải qua quá trình thi tuyển, sát hạch.
Về vấn đề này, theo ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, những cán bộ, công chức này đều là những người có năng lực, có trình độ, chuẩn về bằng cấp chuyên môn theo quy định. Do vậy, giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An kiến nghị Bộ Nội vụ có ý kiến với Chính phủ nghiên cứu xem xét điều chỉnh quy định về tuyển dụng công chức cấp huyện để luân chuyển số công chức cấp xã thuộc diện dôi dư sau sáp nhập khi có chỉ tiêu mà không phải sát hạch.
Ông Lý cũng cho rằng, trong thời gian tới, do việc tuyển dụng mới công chức khó khăn, tỉnh Nghệ An có thể phải sử dụng công chức trái ngành nghề, sau đó cử đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn hoặc chuyển đổi nghề nghiệp nếu có nhu cầu.
Về những kiến nghị của tỉnh Nghệ An trong giải quyết vấn đề sắp xếp cán bộ ở các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh cho biết: “Những vấn đề vướng mắc Bộ đang nghiên cứu làm sao giải quyết vừa đúng quy định của pháp luật nhưng cũng vừa đảm bảo được đội ngũ cán bộ công chức ở các đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp yên tâm, không bị ảnh hưởng đến công việc hay cuộc sống”.
Khi công tác cán bộ sau sáp nhập được giải quyết một các thấu đáo, Nghệ An sẽ tiến gần hơn các mục tiêu Đề án sắp xếp lại địa giới hành chính đề ra, trong đó quan trọng nhất là tinh giảm bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy chính quyền địa phương trong bối cảnh và tình hình mới.
Theo Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND ngày 11/11/2019 và Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND tỉnh Nghệ An ngày 22/7/2020, cán bộ, công chức cấp xã dôi dư được ngân sách tỉnh hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi với những người đáp ứng điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định. Trường hợp thôi việc ngay sẽ được hỗ trợ mỗi năm công tác có đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng.
Đối với Phó trưởng công an, công an viên thường trực ngoài quy định hiện hành của Chính phủ sẽ được hỗ trợ 1 lần mỗi năm công tác bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng, không quá 15 tháng.