Bố trí cán bộ, công chức sau sáp nhập xã tại Nghệ An:
Bài 2: Thừa cấp phó, dôi dư cán bộ
(Dân trí) - Thừa cấp phó, người nhiều việc ít, ngân sách vẫn phải chi trả lương cho cán bộ, công chức như khi chưa sáp nhập... là điều đang xảy ra tại các địa phương thực hiện đề án sáp nhập xã tại Nghệ An.
Một trưởng, 4-5 phó
Ông Lê Trọng Lương - Bí thư Đảng ủy xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) cho biết: “Sau sáp nhập, bộ máy chính quyền 3 xã nhập lại làm một nên chúng tôi có tới 5 Phó Bí thư Đảng ủy trong khi quy định chỉ là 1 người. Cán bộ địa chính, kế toán cũng đều 5 - 6 người trong khi quy định chỉ cần 2 người”.
Tình trạng tăng gấp đôi, thậm chí là hơn gấp đôi định biên so với Nghị định 34 phổ biến ở các xã thực hiện sáp nhập tại Nghệ An. Xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên) hiện có 1 Bí thư, 3 Phó Bí thư thì phải bố trí 2 Phó Bí thư trực Đảng, 1 Phó Bí thư là Chủ tịch UBND xã. Các vị trí như công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa... hiện gấp đôi so với quy định.
Theo ông Hoàng Nghĩa An - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên, tại các xã mới sáp nhập, số cán bộ công chức đang làm việc đều nhiều hơn quy định từ 20-21 người. Toàn huyện thực hiện sáp nhập 10 xã, có tới 198 cán bộ, công chức phải sắp xếp.
“Theo quy định thì 5 xã sau sáp nhập chỉ được bố trí 103 cán bộ, công chức, 95 cán bộ công chức thuộc diện dôi dư. Có 24 người sau sáp nhập đã nghỉ hưu đúng tuổi, chờ hưu, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi hoặc luân chuyển sang các xã khác còn thiếu biên chế, còn lại 71 người chúng tôi phải bố trí tại chỗ.
Trong thời gian đầu sau khi sáp nhập, khối lượng công việc nhiều, đội ngũ này san sẻ nhiệm vụ với nhau. Khi ổn định, sẽ lâm vào tình cảnh nhiều cán bộ mà ít đầu việc trong khi vẫn phải đảm bảo lương, phụ cấp như trước khi sáp nhập cho họ”, ông An cho hay.
Ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn: Việc bố trí cấp trưởng sau sáp nhập xuống làm cấp phó nhưng vẫn ăn lương cán bộ chuyên trách dù thực tế họ thuộc diện cán bộ bán chuyên trách như hiện nay thì về bản chất vẫn không phải là giảm biên chế.
Sau khi thực hiện sáp nhập xã, Nghệ An đã bố trí tại chỗ cho 310 cán bộ, công chức; có 107 người đã nghỉ hưu đúng tuổi hoặc chờ hưu, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển sang đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu biên chế hoặc thi tuyển lên công chức cấp huyện. Việc sắp xếp bố trí công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư tiếp tục công tác tại 16 đơn vị hành chính mới (không tính 3 đơn vị hành chính thuộc diện điều chỉnh) vẫn vượt so với quy định của Trung ương về định biên tại các xã.
Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đội ngũ này phải được sắp xếp, bố trí xong chậm nhất đến năm 2025, khi nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp (2020-2025) kết thúc.
“Đóng cửa” tuyển dụng 3 năm vẫn thừa 800 cán bộ công chức
Sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã sẽ phải sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng phụ cấp từ ngân sách. Đây là công việc vô cùng phức tạp, đụng chạm đến tâm tư, tình cảm, nhất là đối với những người dôi dư, không bố trí công tác được.
Việc bố trí, sắp xếp công chức, cán bộ dôi dư sau sáp nhập triển khai đồng thời với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 34 và chủ trương đưa công an chính quy về xã khiến các cơ quan hữu quan tỉnh Nghệ An phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự công tâm và minh bạch, đảm bảo tính nhân văn.
Theo ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, tỉnh này đã giảm được 10% công chức, viên chức. Hiện đang từng bước giảm dần công chức theo lộ trình, phấn đấu 2-3 năm nữa tổng số công chức trên địa bàn tỉnh về đúng quy định của Trung ương. “Đón đầu” lộ trình, 3 năm nay, Sở Nội vụ Nghệ An không thực hiện tuyển dụng mới.
“Nếu không “đóng cửa” sớm thì sẽ dôi dư nhiều hơn. Tính cả 3 chủ trương lớn (sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và chủ trương đưa công an chính quy về xã) thì toàn tỉnh đang dôi dư gần 800 cán bộ, công chức. Riêng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có gần 300 cán bộ, công chức cần sắp xếp”, ông Lý thông tin.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong việc ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức tại các địa phương thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính. Những cán bộ đến tuổi nghỉ hưu đã được giải quyết chế độ. Vận động những người đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng chưa đến tuổi cũng đã được thực hiện và bước đầu đã có những kết quả tích cực. Một bộ phận cán bộ, công chức dôi dư cũng đã được hố trí, luân chuyển sang xã khác, hoặc lên huyện. Số còn lại hiện đang được bố trí tại chỗ bởi không còn cách nào khác.
Trong thời gian từ nay đến năm 2022, Nghệ An không tuyển mới công chức cấp xã, thậm chí là cả cấp huyện để có thể điều động, luân chuyển những cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mới. Tuy nhiên, vị trí việc làm này cũng không nhiều.
Trong khi đó phương án bố trí Trưởng công an vào vị trí công chức tư pháp - hộ tịch hay văn phòng - thống kê cũng bộc lộ nhiều vấn đề dù lực lượng này cũng đã được đào tạo bài bản.
Hoàng Lam
(Còn nữa)