1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bắc Trung Bộ: Quá nhiều mất mát vì tai nạn giao thông

(Dân trí) - Trong năm 2006, chỉ tính riêng ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã xảy ra gần 1.000 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của gần 800 con người. Không tính đến thiệt hại tài sản tiền tỉ, những tổn thất về người là không thể đong đếm…

Từ những con số đáng sợ…

 

Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều tuyến đường lớn chạy qua. Ngoài 4 tuyến quốc lộ là QL 1A dài 85 km, QL 7 dài 225 km, QL 48 dài 145 km và QL 46 dài 65 km; Nghệ An còn có hơn 130 km cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

 

Chưa nói tới mặt thuận lợi, sự “trù phú quốc lộ” ấy khiến “bài toán” về tình hình đảm bảo ATGT trở nên vô cùng hóc búa. Năm 2006, số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng số người thiệt mạng vì TNGT vẫn ở con số “đỉnh”. Gần 330 vụ TNGT xảy ra trong năm đã cướp đi sinh mạng của 333 người, làm gần 200 người bị thương. Thiệt hại về tài sản cũng lên đến gần nửa tỷ đồng. Đây là con số kinh hoàng mà PV chúng tôi ghi lại từ Phòng cảnh sát giao thông tỉnh.

 

Hầu hết những vụ tai nạn thảm khốc đều rơi vào các phương tiện giao thông đường bộ. Năm qua, có hơn 300 vụ tai nạn đường bộ, trong đó có 4 vụ cực kỳ nghiêm trọng. Ngoài ra có 8 vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài, phần lớn là khách du lịch, làm 1 người chết và 10 người bị thương.

 

Tỉnh bạn Hà Tĩnh cũng có mạng lưới các tuyến đường giao thông không kém phần phức tạp: tuyến QL 1A, 8A, 15A, Hồ Chí Minh, 8B... Tuy nhiên, năm qua, những nỗ lực nhằm giảm thiểu TNGT của tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được thành quả nhất định. So với Nghệ An, số vụ TNGT đường bộ ở Hà Tĩnh ít hơn hơn 100 vụ song những thiệt hại về tài sản lại tăng “đột biến”: gần 2,5 tỷ đồng.

 

Tỉnh Quảng Bình tuy chỉ có con đường QL 1A là đáng kể song năm 2006 cũng xảy ra gần 230 vụ tai nạn, làm chết hơn 200 người, thiệt hại tài sản hơn 450 triệu đồng.

 

Lướt sơ qua tình hình TNGT ở 3 tỉnh Bắc Trung Bộ thì năm 2006 đã xảy ra gần 1.000 vụ TNGT, cướp đi sinh mạng gần 800 người, hàng ngàn người bị thương, thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Quả là những con số đáng báo động!

 

… đến những cái “nhất” đau lòng

 

Theo lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An, nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện đi chiếm đường (35%), không làm chủ tốc độ (30%), phóng nhanh vượt ẩu (10%). Trong số đó, xe máy là phương tiện gây tai nạn nhiều nhất (chiếm 80% số vụ). 70% người gây tai nạn là lao động tự do, 10% là học sinh sinh viên. Hơn 90% đối tượng gây tai nạn là nam giới, nằm trong độ tuổi từ 18 - 50. Con đường xảy ra TNGT nhiều nhất là QL 1A với 94 vụ, chiếm gần 30%; thời gian xảy ra tai nạn chủ yếu là từ 12 giờ trưa đến 24 giờ.

 

Những cái “nhất” không mong muốn trên của Nghệ An cũng có “mẫu số chung” ở hai tỉnh bạn là Hà Tĩnh và Quảng Bình.

 

Trung tá Nguyễn Thuận Do - Phó Phòng cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình - “khoe”: Năm vừa qua, số vụ vi phạm ATGT bị xử lý lên đến hàng ngàn vụ, thu ngân sách gần 10 ngàn tỷ đồng. Đối với Quảng Bình là một tỉnh hẹp và nghèo, số tiền phạt trên là quá lớn. Xử phạt nhiều, TNGT giảm nhưng nhìn chung ATGT vẫn là “bài toán nóng hổi”.

 

Mơ một cái Tết an toàn

 

Trên địa bàn cả nước, đặc biệt ở những thành phố lớn, ngày cuối tuần, ngày lễ thường đồng nghĩa với ngày “chết chóc”. Số vụ TNGT trong những ngày này thường tăng đột biến; phòng cấp cứu tại các bệnh viện luôn ở tình trạng quá tải.

 

Trung tá Nguyễn Quang Năm, Phó Phòng cảnh sát giao thông Nghệ An, khẳng định: “Để chuẩn bị cho người dân đón Tết Đinh Hợi 2007 bình an, hạnh phúc, Phòng đã phát động tháng cao điểm ATGT; tập trung “tổng lực” lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát. Bên cạnh đó xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT nhất là người điều khiển phương tiện vận tải hành khách vi phạm. Sẽ nỗ lực cố gắng để nhân dân vui xuân đón Tết”.

 

Thượng tá Nguyễn Thanh Bảo - Trưởng Phòng cảnh sát giao thông Hà Tĩnh -  đã “tiết lộ” với PV Dân Trí kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT trước, trong và sau Tết Đinh Hợi 2007.

 

“Nóng” nhất về tình hình TTATGT trong dịp Tết là gì, thưa ông?

 

Đó là tình trạng chạy quá tốc độ; chở quá số lượng hành khách; đặc biệt là xe chở chất liệu nổ dễ cháy như pháo, hàng lậu, hàng gian lận thương mại; không có giấy phép lái xe, xe quá niên hạn sử dụng, thiết bị an toàn kỹ thuật không đảm bảo…

 

Và biện pháp xử lý?

 

Luôn luôn tập trung tối đa lực lượng và sử dụng các thiết bị kỹ thuật như máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn. Đồng thời lực lượng chúng tôi cũng thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát ở những địa bàn phức tạp, “điểm đen” tai nạn giao thông… Đồng thời kiên quyết xử lý tạm giữ các phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ trên 20%, phải sang khách, xuống tải sau khi lập biên bản.

 

Hàng ngày chúng tôi còn bố trí 3 tổ tuần tra kiểm soát: ban ngày 2 tổ thời gian từ 6 đến 18h, ban đêm 1 tổ thời gian từ 19h đến 23h. Kế hoạch này được thực hiện từ ngày 6/1 đến 8/3/2007.

 

Nguyên Nghĩa - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm