1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bác sỹ mở phòng khám riêng, “cấm không được…”

(Dân trí) - Không thể cấm bác sỹ ở bệnh viện công làm thêm, mở phòng khám riêng, chỉ hạn chế việc đứng ra thành lập, điều hành, quản lý bệnh viện tư nhân. Các tổ thảo luận chiều 4/6, nóng với quy định này trong dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa trình.

Dự luật Khám bệnh, chữa bệnh đề xuất quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả cán bộ y tế công và tư. Lần đầu lấy ý kiến, một số đại biểu cho rằng chỉ nên cấp chứng chỉ cho người hành nghề y tế tư nhân với lý do hiện các cơ quan nhà nước mới chỉ cấp chứng chỉ được cho người đứng đầu cơ sở tư nhân, chiếm khoảng 1/7 tổng số người đang hành nghề.
 
Việc lo chứng chỉ cho 250.000 cán bộ khác với điều kiện hiện nay của ngành sẽ khó thực hiện cả về bộ máy và ngân sách. Cũng có lo ngại việc này sẽ trở nên hình thức, dễ bị lợi dụng, tiêu cực.
 
Tuy nhiên, UB văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án luật đã bỏ một phiếu thuận cho cơ quan soạn thảo. UB cho rằng, qua việc cấp chứng chỉ đồng loạt này sẽ chuẩn hoá các điều kiện chuyên môn, giữ gì y đức của cán bộ y tế, nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh.
 
Nhìn nhận ở góc độ xã hội, việc này cũng thể hiện sự bình đẳng giữa những người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước và tư nhân.
 
Bác sỹ mở phòng khám riêng, “cấm không được…” - 1
Đại biểu Đào Trọng Thi: "Phòng mạch riêng là nguồn thu chính đáng của bác sỹ".
 
Tương tự, nội dung cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh được xem là cơ sở xác lập bình đẳng giữa khối nhà nước và tư nhân. Việc cấp phép lại 5 năm 1 lần để đánh giá các cơ sở sau thời gian hoạt động có tiếp tục đáp ứng yêu cầu hay không.
 
Nhiều ý kiện lật lại vấn đề, các bệnh viện nhà nước đã và đang hoạt động trong mấy chục năm qua, việc cấp mới giấy phép hoạt động và cứ 5 năm 1 lần phải cấp phép lại là cách làm hình thức.
 
Đại biểu Nguyễn Kim Tiến (Hà Tĩnh) cũng băn khoăn, việc cấp phép cần lộ trình cụ thể vì nếu áp luật ngay, một số bệnh viện hiện không có hệ thống xử lý chất thải phải đóng cửa trong khi bệnh nhân rất đông?
 
Theo thống kê, hiện 60% bệnh viện công vẫn trong tình trạng này, bệnh viện huyện thì thiếu bác sĩ trầm trọng, nhiều trạm y tế xã không đạt chuẩn…
 
Về nội dung công chức, viên chức y tế hành nghề khám chữa bệnh tư nhân, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) nêu quan điểm ủng hộ quy định tại Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân hiện nay: chỉ cấm việc thành lập, điều hành, quản lý bệnh viện tư nhân, không hạn chế việc mở các phòng mạch, phòng khám tư của mình.
 
Nhiều đại biểu cũng tỏ ý đồng tình cho rằng, đây là cách để bù đắp việc thiếu cán bộ y tế hiện nay, cũng là cách tăng nguồn thu chính đáng cho y bác sĩ.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) phân tích, nên để bác sỹ đi làm thêm vì trong giai đoạn quá độ, nếu cố giữ cán bộ ở nhà nước, bằng mệnh lệnh công, tiền lương thấp thì cũng chỉ được một thời gian. “Già néo” quá có thể bệnh viện nhà nước không còn bác sĩ vì họ chạy sang làm tư hết.
 
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) tiếp cận vấn đề trực diện hơn, ông cho rằng “cấm cũng không được”. “Không cho thì họ vẫn có thể làm trá hình, lấy danh một ông bác sĩ đã nghỉ hưu để mở phòng mạch” - ông Thanh cảnh báo về khả năng dễ lách nếu luật cố khuôn cứng.
 
Hướng khắc phục “công tư lẫn lộn” theo đúng lý thuyết là cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút bác sỹ chuyên tâm ở bệnh viện công, không tính chuyện “chân phụ dài hơn chân chính”.
 
Nhìn chung, lần đầu đưa ra thảo luận rộng rãi tại QH nhưng dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh có được sự đồng thuận cao. Các nội dung sẽ được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện cho tới kỳ họp sau.
 
P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm