1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bác sĩ sản cũng kinh hoàng với “bệnh” nạo phá thai

Bác sĩ sản khoa - những người tưởng chừng coi chuyện đỡ đẻ, nạo hút là chuyện thường ngày; vậy mà chính họ cũng phải lắc đầu lè lưỡi trước nhiều ca phá thai kinh hoàng.

Sự gia tăng nhanh chóng đến mức khó kiểm soát được của các ca nạo phá thai (NPT) khiến bác sĩ đã phải dùng từ “bệnh” để chỉ. Rất nhiều phụ nữ đã bỏ ngoài tai lời khuyên của bác sĩ, thậm chí cố tình NPT bất chấp có thể mất quyền làm mẹ suốt đời, thậm chí nguy tới tính mạng.

 

Thấy mặt là… run

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh - kể về người sản phụ đã khiến chị phải “thấy mặt là… run”. Đó là một phụ nữ ở tít tận Gia Lai tên T.T.K.T.

 

Khi chị này đến gặp bác sĩ thì cái thai trong bụng đã 18 tuần. Trước đó đã có hai lần mổ lấy thai. Siêu âm chẩn đoán thai “nhau cài răng lược”, bệnh nhân lại uống thuốc nên thai không thể giữ. Khi tiến hành siêu âm hình ảnh, những mạch máu như chiếc đũa chạy từ nhau thai trong tử cung ra tới bàng quang khiến bác sĩ Hà hồi hộp.

 

Nhau cài răng lược thường xảy ra với các sản phụ đã qua nhiều lần NPT, lớp niêm mạc thành tử cung mỏng không đủ máu cung cấp cho thai nhi khiến gai nhau mọc sâu xuống tới lớp cơ của tử cung. Ca mổ đã kéo dài tới 5-6 tiếng. Các bác sĩ đã phải vá tử cung, vá bàng quang, máu truyền cả chục chai cho bệnh nhân. Ca mổ cho K.T. thành công.

 

Thế mà chưa đầy một năm sau K.T. lại xuất hiện với cái bụng bầu. Biết rõ cái tử cung mỏng manh của bệnh nhân này, ám ảnh của ca mổ khó khăn còn đó khiến không bác sĩ nào trong khoa dám nhận lời.

 

Cực chẳng đã chính Trưởng khoa - bác sĩ Hà đành phải… ra tay. Sau này mới biết K.T. có chồng là lái xe đường dài lại không thích dùng… OK. Biện pháp cuối cùng là chích tránh thai ba tháng một lần. Liều thuốc đã hết hiệu quả mà vẫn chưa thấy K.T. xuất hiện để chích lại. Các bác sĩ ở đây lại lo lắng cho ngày chị ta trở lại.

 

Đối với bác sĩ Lê Văn Hiền thì ca xử lý cho một bệnh nhân cách đây không lâu là trường hợp khiến anh sợ nhất.

 

Bệnh nhân được cấp cứu gấp từ Long An lên. Ngay khi vừa khám cho bệnh nhân này, anh phải hít một hơi thật sâu lấy bình tĩnh vì chứng kiến một mớ lùng nhùng ruột cùng lớp chài bao ruột từ ổ bụng bệnh nhân không hiểu bằng cách nào đã chui qua lỗ thủng tử cung để rồi xuất hiện ở chỗ chỉ dành cho em bé. Khi tiến hành mổ xử lý ca này, bác sĩ Hiền còn lấy ra được nguyên phần thai nhi…
 
Bác sĩ sản cũng kinh hoàng với “bệnh” nạo phá thai - 1
Tư vấn cho các bà mẹ tại phòng sinh Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM.

 

Nạo phá thai theo… mùa

 

“Bệnh này nó theo mùa đấy chị ạ!”. Câu nói vô tình của một bác sĩ sản khoa cứ làm tôi day dứt mãi không thôi. Nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Những con số thống kê từ ba năm trở lại đây đã cho thấy cứ sau mỗi dịp Tết Trung thu, Tết Tây, Noel, lễ tình nhân… là số lượng phụ nữ phải thực hiện KHHGĐ ngoài ý muốn tăng vọt tới trên 600 ca/tháng (so với trung bình 500 ca/tháng) tại BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh. Và ít ai ngờ rằng chiếm tỷ lệ cao nhất trong những người đi nạo phá thai lại là những người độc thân.

 

Trăm ngàn lý do khác nhau để đến với phòng KHHGĐ: để lấy xong bằng thạc sỹ tiến sỹ, để đi học, công tác nước ngoài, thậm chí với nhiều người chỉ đơn giản là muốn kéo dài thời gian son rỗi…

 

Ngồi kề cận bên tôi trong phòng tư vấn về NPT chiều 27/3 là 3 phụ nữ trẻ đang được tư vấn viên (TVV) Lê Thị Tiên (Từ Dũ) hỏi chuyện.

 

Bệnh nhân M.L. (35 tuổi, ngụ tại Gò Vấp) đã nạo tới lần thứ 6 nay lại dính bầu 2 tháng. L. viện cớ không đặt vòng được vì rất khó chịu. Sau một hồi tư vấn nhưng cô vẫn chưa quyết định được. Đến mức chị Tiên phải dụ: “Lần này chỉ tính tiền làm thủ thuật cho em thôi còn không tính tiền công đặt vòng!”. Song kết thúc buổi tư vấn cô vẫn không chịu đặt vòng.

 

L.T.H.T (quận 2), 25 tuổi cũng đang nhấp nhổm vì lo không biết số phận mình lên bàn được hút hay phải nạo. Chị Tiên khuyên ngay sau khi bỏ thai lần này cô nên đặt vòng. T đồng ý nhưng lưỡng lự: “Không biết mình có bị chồng giận hay không?”.

 

Tuổi teen với 60%...

 

Bác sĩ Dương Thị Phương Mai - Trưởng khoa KHHGĐ Từ Dũ - cho hay, nếu như đầu năm 2000 số ca NPT trẻ vị thành niên (VTN) tới Bệnh viện Từ Dũ chỉ khoảng 5% thì từ năm 2006 tới nay tỷ lệ này đã tăng vọt lên 10%. Hàng năm có khoảng 30.000 ca NPT được thực hiện tại khoa KHHGĐ Từ Dũ. Khoảng 3.000 ca ở lứa tuổi ô mai. Và 60% số ca NPT ở trẻ VTN khi tới với các bác sĩ đã có thai trên 13 tuần tuổi.

 

Bà mẹ của một cô học trò lớp 12 ở Phú Nhuận mới đây khi đưa con đến bệnh viện khám vì “sao cháu nó cứ đau bụng hoài!” đã ngất lịm khi bác sĩ ra báo tin cô bé đã có… dấu sinh.

 

Một trường hợp khác một cô bé từng đoạn giải tennis sống cùng bố mẹ. Cô mang bầu nhưng vẫn ép bụng đi học bình thường đến một buổi sáng khi cô bị đau bụng mắc rặn.
 

Tiếng rặn, tiếng rên đau kìm nén trong phòng vệ sinh của cô đã đánh thức cả nhà. Khi tông cửa vào bố mẹ cô gặp cảnh tượng không thể khủng khiếp hơn: cô bé đang rặn đẻ trên… bàn cầu. Phần đầu đứa trẻ đã chạm nước và dây rốn còn treo ngược người nó vào người mẹ. Câu chuyện mà chính các bác sỹ cũng phải lạnh người…

 

Theo bác sĩ Phương Mai, tình trạng NPT ở trẻ VTN ngày càng gia tăng là do chuyện quan hệ tình dục ngày càng trở nên quá sớm với rất nhiều em còn đang độ tuổi học trò. Dù ở tuổi mới lớn nhưng có khi nhiều em đã phát triển thân hình đầy đặn, có kinh sớm và cũng sớm để ý tới chuyện yêu đương. Nhưng ở lứa tuổi này lại chưa hề được trang bị kiến thức về tình dục an toàn, về những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

 

Tâm sự với chúng tôi, các bác sĩ có kinh nghiệm cũng tỏ ra rất lo lắng cho tình trạng NPT ngày càng gia tăng. Không ủng hộ chuyện NPT nhưng chính các bác sĩ cũng cảm thấy như mình đang “đồng lõa” khi không thể từ chối yêu cầu của những người tìm đến họ. Chính những người phụ nữ phải hiểu rõ hơn những tai họa tiềm ẩn để quyết định và chuyện hoàn toàn đơn giản nếu họ quan tâm đến các biện pháp phòng tránh thai.

 

Theo Công an nhân dân