1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bác sĩ kiếm tiền trên lưng bệnh nhân AIDS

Người nhiễm HIV/AIDS ở Hải Phòng đã không ít lần phản ánh lên cơ quan chức năng về việc một số bác sĩ lợi dụng sự thiếu thông tin và thuốc điều trị của bệnh nhân để trục lợi, chẳng hạn gạ bán thuốc mà không cần xét nghiệm, tư vấn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Gặp bệnh nhân HIV/AIDS, ông Nguyễn Quang, bác sĩ tư vấn tổng đài 1088 ở Hải Phòng sau khi hỏi lý do nhiễm đã đi thẳng vào vấn đề: "Tôi là đại lý thuốc của công ty dược Stada, liên doanh sản xuất thuốc Việt Đức. Tôi đã điều trị cho người nhiễm 3-4 năm nay, hầu hết đều thành công. Thuốc uống liên tục trong 3 tháng, nếu có điều kiện thì uống 6 tháng, còn ở các nước phương Tây họ uống 9 tháng. Nhìn da cô mai mái, ngứa, tôi biết là chưa nặng lắm, đang ở giai đoạn vừa phải, thời kỳ cận AIDS rồi. Nên điều trị, không cần phải xét nghiệm CD4 nữa đâu. Có 2 cách điều trị, thứ nhất là dùng 3 loại thuốc gồm Lamzividir 2 thành phần và 1 loại con nhộng nữa, giá 960.000/tháng. Cách thứ 2 chỉ có Lamzividir, giá 450.000 đồng/tháng. Tất nhiên là cách thứ nhất có hiệu quả hơn".

 

Khi bệnh nhân nói không đủ tiền thì bác sĩ Huy bảo sẽ bán thuốc theo tuần, thậm chí theo ngày. Với 96.000 đồng, bệnh nhân mua đủ thuốc cho 3 ngày nhưng khi xem lại thì thấy Lamzividir đã hết hạn sử dụng được 9 tháng. Còn thuốc nhộng Methionin thực chất chỉ là vitamin, được bác sĩ Huy kê thay thế cho Niverapine, một thành phần khác trong phác đồ điều trị HIV/AIDS. Bác sĩ Huy khẳng định, ông phải học đến 15 năm về HIV mới có được kinh nghiệm điều trị như vậy.

 

Trong khi đó, bác sĩ Vương Ánh Dương, chuyên viên Vụ Điều trị Bộ Y tế cho biết, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS mới nhất được Bộ Y tế ban hành tháng 3 năm nay, trước khi điều trị cho bệnh nhân, phải xét nghiệm nồng độ tế bào CD4 trong máu, tư vấn về cách dùng thuốc để họ hiểu đây là thuốc điều trị suốt đời và phải tuân thủ chặt chẽ giờ uống hằng ngày. Điều này giúp bệnh nhân chậm bị kháng thuốc, tránh lây lan các chủng virus mới. Nếu điều trị không đúng phác đồ thì thà không điều trị vì bệnh nhân sẽ chết sớm hơn.

 

Quy định như vậy nhưng khi bệnh nhân đến, bác sĩ Huy không tiến hành các bước trên mà lập tức gạ bán thuốc. Không ít người nhiễm HIV/AIDS đã bị bệnh nặng hơn sau khi dùng thuốc của ông Huy. Chị T.T.L. ở phường Trại Chuối sau 2 năm đã phải chuyển sang phác đồ bậc 2 vì kháng với phác đồ bậc 1. Chị T. ở đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng; anh C. ở đường Lý Thường Kiệt cũng vậy.

 

Thuốc miễn phí, nhưng bác sĩ vẫn bán

 

Tại phòng Tư vấn sức khỏe 58 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, một nữ tư vấn viên cho biết, dự án Quỹ toàn cầu đã triển khai tại quận này, người nhiễm được cấp thuốc miễn phí chữa nhiễm trùng cơ hội và điều trị AIDS từ 4 tháng nay. Bệnh nhân chỉ cần xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV tại trạm y tế phường là được cấp thẻ đỏ, có mã số để lấy thuốc tại trung tâm y tế quận.

 

Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm y tế quận Lê Chân, khi gặp bệnh nhân lại cho biết là đang bán thuốc và khuyên nên điều trị sớm: "Có bệnh nhân AIDS khi đến đây đi không nổi, vậy mà được tôi chữa cho về còn lấy được vợ". Khi người bệnh hỏi thành phần thuốc gồm những gì thì ông có vẻ phật lòng: "Nếu là tôi điều trị thì không cần phải xét nghiệm, nhưng với cậu thì tôi sẽ viết cho phiếu xét nghiệm mang kết quả về đây, tôi kê đơn cho rồi tự đi tìm bác sĩ điều trị. Chẳng có nơi nào giá 1,6 triệu như ở đây, chỗ khác toàn 2,5-3 triệu". Khi được hỏi cần xét nghiệm gì thì bác sĩ Minh trả lời: "Xét nghiệm chuyên môn, nói cô cậu cũng không hiểu được".

 

Những việc làm của 2 bác sĩ trên đã nhiều lần được người nhiễm HIV/AIDS ở Hải Phòng phản ánh với Sở Y tế và Ủy ban phòng chống HIV/AIDS thành phố, nhưng các cơ quan này chưa có ý kiến gì.

 

Theo Quang Duy
Lao động