Bắc Ninh treo thưởng 100 triệu đồng cho huyện cấy đúng tiến độ
(Dân trí) - Ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khẳng định, tỉnh này đảm bảo hoàn thành lấy nước đổ ải và gieo cấy trong khung thời vụ. Đáng lưu ý, năm nay tỉnh Bắc Ninh treo thưởng 100 triệu đồng cho huyện nào chỉ đạo gieo cấy vụ Đông Xuân đúng tiến độ và đảm bảo ở thời vụ tốt nhất.
Thưởng 100 triệu cho huyện cấy nhanh, đúng khung thời vụ
Nhằm kiểm tra và thúc đẩy việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, ngày 11/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh và trực tiếp đi kiểm tra tình hình lấy nước, làm đất, chăm sóc mạ để chuẩn bị gieo cấy lúa.
Mặc dù trời đang giá rét và chuẩn bị đón Tết, nhưng nhiều nông dân ở Bắc Ninh vẫn tích cực ra đồng làm đất, giữ ấm, giữ nhiệt cho mạ để đảm bảo mạ phát triển tốt, khi trời ấm có thể đem cấy được ngay.
Làm việc với Bộ trưởng, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khẳng định: “Bắc Ninh đảm bảo hoàn thành lấy nước đổ ải và gieo cấy trong khung thời vụ. Sau Tết trời ấm lên, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương động viên bà con nông dân gieo cấy tích cực trong khug thời vụ”. Đáng lưu ý, năm nay tỉnh Bắc Ninh treo thưởng 100 triệu đồng cho huyện nào chỉ đạo gieo cấy vụ Đông Xuân đúng tiến độ và đảm bảo ở thời vụ tốt nhất.
Bắc Ninh là địa phương trước đây thường xuyên có tiến độ lấy nước chậm nhưng năm nay đã quan tâm đầu tư xây dựng một số trạm bơm có thể vận hành không phụ thuộc vào nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện, như Phú Mỹ, Kênh Vàng 3, Yên Hậu để thay thế các trạm bơm dã chiến nên đã đẩy nhanh tiến độ lấy nước. Đến ngày 11/2, diện tích có nước toàn tỉnh Bắc Ninh là 31.200/34.500ha, đạt 90,5% diện tích và hơn 50% diện tích đã được làm đất, sẵn sàng cho việc gieo cấy khi thời tiết ấm lên.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, vụ Đông Xuân của khu vực Trung du và đồng bằng sông Hồng rất quan trọng với tổng diện tích 614.000ha. Năm nay thời tiết lạnh báo hiệu khả năng sớm được mùa, nhưng yếu tố quan trọng là chúng ta phải đảm bảo lấy nước, gieo cấy đúng khung thời vụ. Tuy nhiên, từ nay Tết âm lịch còn 1-2 đợt rét nhẹ, nên khả năng ăn Tết xong chúng ta sẽ bắt đầu gieo cấy lúa.
“Như vậy, khung thời vụ tối ưu chỉ còn hơn 10 ngày. Vì vậy, chúng tôi tập trung cùng các địa phương để đôn đốc bà con ra đồng sớm khi nhiệt độ thời tiết cho phép, thậm chí mùng 2 Tết mà điều kiện thời tiết ấm thì cũng ra đồng để cố gắng tập trung cấy vụ Đông Xuân trong tháng 2/2018, tốt nhất là trước 25/2” – Bộ trưởng khẳng định.
Dồn tổng lực lấy nước tối đa trong ngày 12/2
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định, đến nay có khoảng 10 địa phương cơ bản đã lấy nước đổ ải (nếu không kể tỉnh Bắc Giang, diện tích có nước trung bình của các tỉnh còn lại đạt 90,14%). Chính vì thế, ông kiến nghị rút ngắn 2 ngày lấy nước Đợt 3 – sẽ kết thúc vào lúc 24h ngày 12/2. Để đảm bảo lấy nước cho thành phố Hà Nội – địa phương có diện tích đủ nước thấp nhất, đạt 68,27% và một số địa phương khác, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) duy trì mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Sơn Tây khoảng 3,2m (tương đương với mực nước tại Hà Nội khoảng 1,5m) trong thời gian từ ngày 18/2 đến hết tháng 2/2018.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi và EVN, lượng nước xả từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xuống hạ lưu năm nay có xu hướng tăng cao hơn so với những năm trước. Dự kiến, lượng nước xả trong 3 đợt là 6,1 tỷ m3 (năm 2017 chưa đến 5 tỷ m3), nhưng mực nước hạ lưu lại thấp nên không thuận lợi cho việc lấy nước. Ông Nguyễn Văn Tỉnh tinh toán: 1 m3 nước chảy qua tua – bin mà không phát điện gây thiệt hại 330 đồng, tính ra 1 ngày xả 300 triệu m3 nước nhà nước thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Chính vì thế, ông đề nghị EVN cần có cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng trạm bơm thấp, để lấy nước hiệu quả, tối ưu hơn.
Đồng tình với đề xuất rút ngắn 2 ngày lấy nước Đợt 3, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu EVN tập trung xả nước từ các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đúng kế hoạch với mức nước tối đa để các trạm bơm ở hạ du tích cực lấy nước trong ngày 12/2, đồng thời đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ lấy nước cho phần diện tích còn lại và tưới dưỡng. Riêng thành phố Hà Nội, Bộ trưởng lưu ý cần dồn sức vào để tập trung chỉ đạo, nhất là các trạm bơm dã chiến, các trạm bơm cưỡng bức để cung cấp nước cho 3 khu vực: Trạm bơm Phù Sa, huyện Đông Anh và khu vực ven sông Tích. Ba khu vực này tập trung còn khoảng 3.000-4.000ha chưa có nước phục vụ gieo cấy.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, đến nay chúng ta đã lấy nước được 521.000/614.000ha, chiếm 85%. Dự kiến, khi kết thúc lấy nước Đợt 3 thì diện tích sẽ đạt 90% trở lên. Khâu chuẩn bị nước đã cơ bản đảm bảo cho tổ chức cấy vụ Đông Xuân.
“Hiện các địa phương cũng đang tập trung làm đất, chăm sóc mạ tốt để gieo cấy. Năm nay hầu hết các diện tích mạ đều được che phủ, chăm sóc nên phát triển tốt” – Bộ trưởng nhận định.
Theo thống kê của các địa phương, diện tích có nước tính đến 15h ngày 10/2 là 521.076 ha, đạt 85,16% so với tổng diện tích gieo trồng (614.000ha). Đến nay, nhiều tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước, trong đó Hà Nam 100%, Phú Thọ 98,53%, Nam Định 98,1%, Ninh Bình 98,55%, Thái Bình 97,32%; Hưng Yên 95,84%, Hải Phòng 90,33%, Hải Dương 89,57%, Vĩnh Phúc 90,2%; Bắc Ninh 84,69%, Hà Nội 68,27%.
Nguyễn Dương