1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bác đề xuất “tiếng nổ văn hóa”

(Dân trí) - Trước đề xuất có “tiếng nổ văn hoá” của đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt khẳng định: “Việc đưa vào luật việc nổ súng phục vụ văn hóa theo tập tục, xin phép Quốc hội là chúng ta cấm, nên không thể được”.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều 2/6, một số đại biểu đã đề nghị Quốc hội cân nhắc đến yếu tố văn hóa, khi người dân một số dân tộc vẫn còn sử dụng tiếng nổ vào mục đích văn hóa: Ví dụ trong đám hiếu, tiễn đưa những người có uy tín.

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) đánh giá việc quản lý sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ là việc rất phức tạp trên thực tế.

“Trong thực tế đời sống, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số còn sử dụng tiếng nổ do vũ khí thô sơ và vật liệu nổ trong phong tục tập quán, như trong đám hiếu người có uy tín, chức sắc... dùng tiếng súng như một báo hiệu. Nếu chúng ta quy định như dự thảo luật, nay mai già làng, trưởng bản qua đời, gia đình dùng súng tiễn đưa những người này sẽ vi phạm hết. Có thể cả nhà người ta cũng sẵn sàng đi vào nhà giam để giữ phong tục, vậy chúng ta có nên quy định như vậy không? Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nghiên cứu để lại 1 khoản sử dụng tiếng nổ vì mục đích văn hóa”- ông Chu nêu quan điểm.

Đại biểu Giàng A Chu phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Giàng A Chu phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Đưa ra hình ảnh đón nguyên thủ quốc gia còn bắn mấy chục phát súng đại bác, đại biểu tỉnh Yên Bái cho rằng tiếng nổ của súng kíp không có gì ghê gớm. Việc người dân có một khẩu súng kíp ở trong nhà không hoàn toàn là để gây nguy hiểm cho người khác.

“Giờ văn minh quá thì ta thấy vấn đề thôi, chứ ngày xưa tôi đi nương, đi rẫy, nếu không có súng thì cũng phải có mõ để gõ đuổi khỉ. Tất nhiên dù sử dụng vào mục đích văn hóa cũng phải chịu trách nhiệm về an toàn, báo cáo cơ quan chức năng sau khi sử dụng”- đại biểu Chu nói và “tha thiết đề nghị Quốc hội đưa một điều khoản về việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vì mục đích văn hóa”.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc vấn đề mà đại biểu Giàng A Chu đã nêu ra.

Tuy nhiên, tranh luận lại với hai đại biểu trên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cho biết cơ quan thẩm tra đã tính toán, trao đổi rất kỹ xung quanh câu chuyện này.

“Việt Nam có 54 dân tộc với nhiều phong tục tập quán tốt đẹp cần bảo tồn, phát triển nhưng trong điều kiện hiện nay có những phong tục phải có thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích 1 bộ phận người dân, nhưng cũng phải chấp nhận vì lợi ích lớn hơn”-đại biểu Hồng nêu quan điểm.

Ông Hồng dẫn chứng cách đây 20 năm khi tiếng pháo vào dịp Tết được xem như dấu hiệu để đón mùa xuân tới, đã ăn sâu vào văn hóa người Việt rất nhiều năm nhưng vì nhu cầu bảo vệ an ninh trật tự, chúng ta đã phải ban hành Chỉ thị 46 về việc cấm pháo.

“Ban đầu cũng có rất nhiều ý kiến, nhưng sau này chỉ thị thực sự đã phát huy hiệu quả. Tôi chia sẻ với đại biểu, nhưng đề nghị Chính phủ vận động bà con thực hiện yêu cầu mới của luật và có cách nào đó để bà con thay thế phong tục cũ một cách phù hợp”-ông Hồng nói.

Cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt (cơ quan thẩm tra dự án luật) cũng khẳng định: “Việc đưa vào luật việc nổ súng phục vụ văn hóa theo tập tục, xin phép Quốc hội là chúng ta cấm nên không thể được”.

Phải nhập khẩu súng thể thao?

Trên góc độ của ngành thể dục thể thao, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề nghị xem xét loại trừ một số loại vũ khí thô sơ như đao, kiếm phục vụ thi đấu một số môn thể thao bởi số dụng cụ này phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế và không thể gây ra sát thương.

“Với một số loại vũ khí thô sơ không có tính sát thương phục vụ thi đấu, biểu diễn thì nên cho phép các đơn vị khác ngoài công an, quốc phòng sản xuất. Nếu áp dụng như dự thảo thì phải nhập khẩu vũ khí thể thao”- ông Hưng nói.

Đối với các hành vi cấm, đại biểu Võ Đình Tín- Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông - đề nghị quy định rõ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm, những trường hợp nào được phép hướng dẫn cách thức sản xuất, tập huấn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

“Trên thực tế hiện nay các trang mạng xã hội, trang web hướng dẫn hoặc chỉ chia sẻ các hướng dẫn chứ không trực tiếp hướng dẫn cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Vậy các hành vi này là trái hay không trái phép?”-ông Tín nói.

Về đối tượng được trang bị vũ khí, đại biểu Tín kiến nghị thêm đưa thêm lực lượng dân phòng vì đây là lực lượng hỗ trợ rất lớn cho công an để thực thi công vụ nhưng dự thảo luật chưa đưa đối tượng này vào được trang bị.

6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo

Theo dự thảo luật, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng không cần cảnh báo trong 6 trường hợp:

1. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

2. Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;

3. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

4. Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

5. Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

6. Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc nổ súng quân dụng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền và phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định.

Thế Kha